Đạo diễn trẻ Đặng Minh Quốc: 'Gạ tình cho vai là tự đào mồ chôn mình'

03/06/2016 17:25 GMT+7

Đặng Minh Quốc được xem là một đạo diễn trẻ có năng lực và 'mát tay' ở lĩnh vực phim truyền hình. Anh du học ở Úc chuyên ngành đạo diễn và về nước hoạt động từ năm 2011. Đến nay đã cho 'ra lò' hơn chục phim, phát sóng trên VTV, HTV, SCTV... và để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả.

* Có nhiều đạo diễn sau du học về nước vẫn phải lận đận 5, 10 năm chỉ làm được một vài phim. Anh có thấy mình quá may mắn?
- Đạo diễn trẻ Đặng Minh Quốc: Ban đầu về nước tôi cũng thấy hụt hẫng lắm. Vì những gì tôi học ở nước ngoài một đường về Việt Nam lại thực hành một nẻo. Đơn cử như ở Úc, khi tham gia đoàn phim, mỗi cá nhân chỉ đảm nhận một vai trò chính (để đạt hiệu quả cao trong công việc) thì ở Việt Nam, tôi tham gia đoàn phim phải kiêm nhiệm nhiều vai trò: trợ lý đạo diễn, phó đạo diễn… (nhà sản xuất làm vậy một phần nhằm tiết kiệm chi phí).
Tôi cũng từng có ý định không theo đuổi cái nghề mà mình đã đam mê từ khi còn học phổ thông để sang Úc làm việc. Nhưng tôi nghĩ mình cố gắng dần rồi cũng thích nghi được. Và phim hài tết 90 phút đầu tay của tôi là Mùa xuân quanh ta phát sóng trên HTV nhận được phản hồi tốt. Sau đó tôi được tin tưởng và được giao làm tiếp các phim Trái tim màu xanh, Chữ T danh vọng, Nữ xế... Tiếp đến là loạt phim cũng cho HTV, gồm: Tâm hồn trẻ thơ, Nụ cười gấu con, Hiểu và yêu… Các phim làm cho VTV, gồm: Clip nóng, Miền chân sóng, Nữ xế ; SCTV gồm các phim: Ký ức tuổi thơ, Đổi đời, Truy tìm hung thủ, Xúc xắc xúc xẻ (đang trong giai đoạn hậu kỳ)... Có thể nói mình may mắn khi làm được nhiều phim và khán giả đón nhận. Tuy nhiên, trong nghệ thuật, nếu chỉ có may mắn mà không nỗ lực, thiếu năng lực thì khó thành công được.
* Như trên anh đã nói “những gì tôi học ở nước ngoài một đường, về Việt Nam lại thực hành một nẻo”. Anh có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Trong thời gian học ở Úc, vào các kỳ nghỉ, tôi thường xin theo đoàn phim làm việc không lương. Tôi đi chụp hình, ủi đồ cho đoàn phim, làm hậu cần (lo ăn uống, đi lại cho đoàn)… Nói chung làm gần hết những công việc của đoàn phim (trừ hóa trang là tôi chưa thử). Tôi thấy người ta chuyên nghiệp lắm, người nào phụ trách khâu nào thì chỉ chuyên trách khâu đó, không “đá lộn sân”.
Còn tại Việt Nam, một người đảm nhận 2 thậm chí là 3 vai trò, vừa làm phó đạo diễn, hoặc trợ lý kiêm luôn kế hoạch, hoặc thiết kế kiêm đạo cụ, trực hiện trường…, như vậy khó đạt hiệu quả như mong muốn, vì mọi người sẽ bị phân tâm vì những việc khác.
Hoặc như khi làm phục trang bên Úc, người ta đánh số thứ tự các loại trang phục cho diễn viên, khi cần họ chỉ yêu cầu lấy mã số phục trang, đảm bảo chính xác. Trong khi ở Việt Nam, mỗi cảnh quay thư ký phải chụp hình trang phục của diễn viên, nhớ màu sắc đồ, khi qua cảnh mới phải mở hình lên xem và tìm lại trang phục ráp nối. Như vậy sẽ khó chính xác, vì có những màu sắc na ná nhau khi lên hình rất giống và khó phân biệt…
Minh Quốc (bìa trái, hàng đầu): “Bắt đầu mỗi ngày quay, Quốc luôn đến phim trường sớm, để cùng ăn sáng, uống cà phê với anh em (gắn bó về tình cảm, công việc); hoặc trong khi anh em trong đoàn, nếu có vấn đề gì cần can thiệp sẽ giải quyết ngay, đỡ mất thời gian cho cả ekip” - Ảnh: NVCC
Đạo diễn Minh Quốc (bìa trái, hàng đầu) cùng ê-kíp làm phim của mình Ảnh: NVCC
* Trong hầu hết các phim do anh đạo diễn thường đi vào 2 dạng đề tài chính: thiếu nhi và hình sự. Phải chăng anh thường chọn cho mình lối đi thuộc lĩnh vực yêu thích và am hiểu nhất để phát huy sở trường?
- Tôi rất thích dòng phim hình sự và thiếu nhi. Đây là 2 dạng đề tài tôi đã thích khi đang học đạo diễn. Với nhiều đạo diễn, phim thiếu nhi là đề tài nhiều thử thách, một phần vì vất vả, khó quay lắm, nhất là làm việc với các diễn viên nhí. Các em nhỏ tuổi, mỗi người một tính, thích thì đóng, giận hờn, thậm chí đói bụng là đòi bỏ về, ngây ngô mà đáng yêu vậy đó.
Còn phim hình sự lại là đề tài luôn tạo hứng thú cho người xem và cũng tạo nhiều cảm hứng sáng tác cho tôi. Phim hình sự tôi làm gần đây nhất là Truy tìm hung thủ (phát sóng trên SCTV14). Có thể nói, quá trình thực hiện bộ phim có thể viết thành một bộ phim khác, vì mỗi ngày là một kỷ niệm, mỗi ngày là một thử thách cho ê-kíp nói chung và tôi nói riêng.
Ví dụ trong kịch bản, biên kịch chỉ ghi một dòng ngắn gọn “Vũ Phong đuổi Thắng qua nhiều con phố, ngõ hẻm…”, chỉ một hai dòng như vậy thôi, nhưng phải mất cả mấy ngày quay mới xong. Muốn có được một phân đoạn hành động hấp dẫn trong phim hình sự đòi hỏi sự hi sinh thời gian, hơn 100% công sức của ê-kíp và nhiều kinh phí của nhà sản xuất.
* Chắc hẳn anh đã từng gặp rắc rối do các diễn viên nhí gây ra?
- Trong phim Mùa xuân quanh ta, có một cảnh quay mà diễn viên nhí của phim phải chèo thuyền qua sông trong đêm. Nhưng khi quay, diễn viên này nhất quyết không chịu ngồi thuyền, dù mình chỉ giả cảnh và mực nước khi đó chỉ ngang ngực em. Cả đoàn phim phải nhờ gia đình thuyết phục, nhưng em nhất quyết không là không. Vậy là đoàn đang quay phải tạm dừng. Mình phải viết lại phân đoạn, thay đổi nhân vật, thay đổi luôn một phần đường dây kịch bản.
Sau khi học xong THPT, đạo diễn Đặng Minh Quốc thi đậu 2 trường ĐH: Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và Sân khấu điện ảnh TP.HCM. Nhưng Quốc theo lời một người thầy, anh chọn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Sau đó Quốc du học tại Malaysia, rồi sang Úc học thạc sĩ chuyên ngành phim và truyền hình tại Trường ĐH Deakin (thuộc bang Victoria, Úc).
Hay như trong phim Tâm hồn trẻ thơ, đoàn phim cũng đã đau đầu với Trọng Khang (gần đây nổi tiếng với phim điện ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, khi đó Khang mới học lớp 3). Ở một cảnh quay tại huyện Bình Chánh, Khang hiếu động đến mức chủ nhà phàn nàn, la rầy để em tập trung quay. Kết quả cuối cùng: Khang rủ thêm 2 người con của chủ nhà cùng… quậy chung. Mẹ Khang và cả đoàn phim làm hết cách, la hét, dụ ngọt… mãi mới được, nhưng chỉ được vài phút cậu lại chạy nhảy.
Qua các phim thiếu nhi, mình rút ra được rất nhiều bài học khi làm việc với diễn viên nhí. Nếu mình càng la hét, hối thúc thì chắc các em sẽ không diễn được. Mình phải hiểu tính cách của từng em để có cách phối hợp làm việc, và điều quan trọng nhất là các em rất cần sự tôn trọng từ những cô chú trong đoàn.
* Hiện nay, đối với phim truyền hình, nhiều diễn viên tên tuổi thường quay cùng lúc 3, 4 phim nên khó đòi hỏi chất lượng về diễn xuất. Từ đó dẫn đến tình trạng diễn viên không thuộc thoại, chỉ nắm ý rồi “phóng tác” thoại vô tội vạ. Anh đã từng gặp những trường hợp tương tự?
- Phim của tôi yêu cầu diễn viên phải thuộc thoại, đó là điều bắt buộc (ngoại trừ những cô chú lớn tuổi phải học thoại quá dài, hoặc mang tính chuyên môn cao mới dùng nhắc thoại).
Nếu diễn viên nghe nhắc thoại để nói theo thì không thể hiện được cảm xúc của nhân vật. Câu nói luôn đi kèm với cảm xúc, nên khi diễn viên nghe nhắc thoại sẽ dễ bị sa vào trường hợp “đợi thoại”.
Ví dụ như khi diễn viên đang thoại một câu thể hiện sự giân dữ, nhưng câu thoại ngay sau đó thì anh ta phải kìm sự tức giận của mình lại, nếu như diễn viên không thuộc thoại thì anh ta sẽ phải đợi xem câu thoại tiếp theo là gì để diễn, như vậy sẽ bị chậm về tiết tấu. Những trường hợp “đợi thoại” như vậy sẽ rất dễ gặp trong những đoạn cao trào, tiết tấu nhanh và liên tục.
* Nhắc tới đạo diễn người ta thường nghĩ tới chuyện “gạ tình cho vai”…
- Đối với tôi không bao giờ có chuyện đó. Nếu gạ tình cho vai diễn viên nghĩa là tự đào mồ chôn mình. Chọn vai là phải chọn diễn viên phù hợp tính cách, số phận nhân vật, chứ không phải là chọn diễn viên để “thế vai”.
Mà nếu thế vai, họ diễn không dạt, phim dở, tiếng tai đạo diễn lãnh đủ. Thêm điều nữa, những nghệ sĩ chân chính, có thực tài, họ luôn đi lên bằng đôi chân của mình, và tôi may mắn luôn được làm việc với những con người tuyệt vời ấy.
Khi học tại Úc, Minh Quốc gặp một sự cố nhớ đời. Đó là vào một buổi họp thảo luận về nhạc cho phim tốt nghiệp tại trường đại học ở một thành phố khác. Dù đã chuẩn bị kỹ từ đường đi, định vị và khởi hành theo đúng lịch trình và thời gian dự kiến, tuy nhiên, sáng hôm đó Quốc không ngờ máy định vị lại đưa anh đến cổng khác của trường, và vị trí của các cổng cách nhau vài cây số là chuyện bình thường.
8 giờ bắt đầu họp nhưng Minh Quốc đến trễ tới 20 phút. Khi Minh Quốc đến điểm hẹn, ông trưởng khoa phim và truyền hình (ĐH Deakin) là Simon Wilmot đón tại cổng và nói ngay: "Nếu cậu muốn trở thành chuyên nghiệp, muốn phát triển nghề nghiệp của mình thì phải nhớ đúng giờ, hoặc sớm hơn. Nhất định không thể để người khác chờ mình". Khi vào phòng họp có hàng chục sinh viên ngồi chờ sẵn, Quốc cảm thấy rất có lỗi và tự thấy hổ thẹn. “Cảm giác lúc đó chỉ muốn chui xuống đất, hoặc có ai đó cho mình biến đi ngay lập tức”, Minh Quốc nhớ lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.