Đạo diễn trẻ kiếm đất làm nghề

04/12/2008 23:11 GMT+7

Những năm trước, hầu như các vở diễn sân khấu VN đều ghi tên những đạo diễn cây đa cây đề quen thuộc, trong khi đạo diễn trẻ hầu như không có đất để thi thố. Nhưng bây giờ tình hình đã khác khi các đạo diễn trẻ biết tự bươn chải tìm đất “dụng võ” và đoạt cả giải cao trong các cuộc thi...

TP.HCM có lẽ là nơi thuận lợi nhất trong việc ươm mầm tài năng. Một phần nhờ sân khấu xã hội hóa với cơ chế thoáng, không câu nệ tên tuổi, miễn ông bà bầu thấy kịch bản tốt, ý tưởng lạ, bán vé được, là họ chịu liền. Cho nên đạo diễn trẻ có cơ hội cạnh tranh bằng tài năng của mình. Thái Hòa, Đức Thịnh, Đình Hải, Vũ Minh, Tuấn Khôi, Lý Khắc Lynh, Ngọc Tưởng... đều tìm được chỗ đứng tại sân khấu Phú Nhuận, IDECAF, Kịch Sài Gòn, Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B)...

Mới đây, khi sân khấu 5B lên sàn tập vở Trong hào quang bóng tối, đạo diễn Trần Minh Ngọc ban đầu định cùng làm với Lý Khắc Lynh, nhưng cuối cùng ông nhất quyết bắt Lý Khắc Lynh dàn dựng một mình, bởi ông tin rằng Lynh sẽ có những cái mới táo bạo. Ông nói: “Không hẳn đạo diễn trẻ nào cũng giỏi, nhưng chúng ta vẫn cứ phải giao sân khấu cho họ. Làm nhiều tất phải giỏi lên. Dù muốn hay không thì tương lai sân khấu vẫn thuộc về họ. Thế hệ trước nên lui lại, làm nhiệm vụ tư vấn cho họ ở những chỗ họ còn non nớt. Như thế mới có được thế hệ kế thừa. Tôi luôn tin rằng họ có những chỗ hay hơn đàn anh, đàn chị”. Đạo diễn Công Ninh cũng có một vai trong vở này. Khi được hỏi: “Là đạo diễn gạo cội, giờ chịu sự chỉ đạo của đạo diễn trẻ, anh có băn khoăn không?”, Công Ninh trả lời thẳng thắn: “Đã làm việc với ai thì mình phải chấp hành ý kiến của họ, dù họ trẻ hơn. Có thể trao đổi, góp ý nếu thấy có điều chưa thông suốt. Nhưng cuối cùng vẫn phải tôn trọng ý kiến của đạo diễn. Đừng coi thường lớp trẻ. Họ có chỗ yếu hơn mình nhưng cũng có chỗ mạnh hơn. Trong thời gian dạy học ở trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh, ngay trong bài tập của học trò tôi cũng đã thấy có những ý tưởng lạ, táo bạo mà mình không có. Cho nên tôi vẫn phải học từ các em”.

“Dù muốn hay không thì tương lai sân khấu vẫn thuộc về họ. Thế hệ trước nên lui lại, làm nhiệm vụ tư vấn cho họ ở những chỗ họ còn non nớt. Như thế mới có được thế hệ kế thừa. Tôi luôn tin rằng họ có những chỗ hay hơn đàn anh, đàn chị” - Đạo diễn Trần Minh Ngọc

Chính tinh thần thông thoáng ấy đã tạo điều kiện cho đạo diễn trẻ tự tin làm nghề. Giám đốc Huỳnh Anh Tuấn của IDECAF bày tỏ: “Dĩ nhiên chúng tôi chịu áp lực phải bán vé, nhưng tìm người trẻ lại giúp chủ động thời gian hơn so với những cây đa cây đề luôn bận chạy sô, mình phải ngồi chờ. Và đạo diễn trẻ lại theo kịp chất mới mẻ, táo bạo mà sân khấu của mình yêu cầu, trong khi những tên tuổi đã định hình ít chịu thay đổi”. Còn Giám đốc Hồng Vân cho biết, chị phải xếp xen kẽ tiết mục của đạo diễn tên tuổi và đạo diễn trẻ vì Kịch Phú Nhuận sinh sau đẻ muộn, cần xốc lên lấy tiếng với khán giả đồng thời vẫn cần một đội ngũ kế thừa để sau này chủ động hơn. Chẳng hạn, có NSND Doãn Hoàng Giang trong các vở kịch Bắc: Số đỏ, Bỉ vỏ, Kỹ nghệ lấy Tây nhưng cũng có Thái Hòa, Đức Thịnh, Đình Hải trong thể loại kịch kinh dị, lãng mạn, tuổi teen (Người vợ ma, Cánh đồng gió, Trai mới lớn)”. Cũng nhờ Hồng Vân là một bà đỡ mát tay, chấp nhận được nhiều phong cách, nên các đạo diễn trẻ tha hồ tung tẩy.

Sân khấu phía Bắc hãy còn đóng băng trong việc chọn đạo diễn, người trẻ không dễ gì có cơ hội. Bởi các đoàn nhà nước mỗi năm chỉ được dựng 1-2 vở nên phải chọn tên tuổi. Đạo diễn trẻ muốn chen chân chỉ có thể làm liều như Triệu Trung Kiên và Hoàng Mai, tự bỏ tiền dựng Dấu ấn giao thời Cung phi Điểm Bích, khi lãnh đạo xem thấy được thì mới duyệt kinh phí. Chính nhờ cú liều ấy mà sau này Triệu Trung Kiên chạy sô mệt nghỉ, đầu năm nay có đến 6 đơn vị mời dựng. Nhưng trên thực tế có mấy người dám thử liều như thế?

Dù sao những gì các đạo diễn trẻ đã đạt được chỉ mới là bước khởi đầu đầy lạc quan, bởi trước mắt họ vẫn cần đến những bệ đỡ để thật sự có đủ điều kiện cho sự sáng tạo và thể hiện tài năng. Giám đốc Huỳnh Anh Tuấn thừa nhận: “Sân khấu chúng ta còn hạn chế về cơ sở vật chất kỹ thuật, nên đạo diễn chỉ dựng theo kiểu chạy ra chạy vô, tắt đèn mở đèn. Họ không thể mơ làm cái gì thật bay bổng, vì thế lâu ngày sẽ mất dần chất sáng tạo. Chúng tôi một mặt phải chờ đến lúc có cơ sở khá hơn, một mặt cho đạo diễn trẻ đi tham quan học hỏi nước ngoài. Năm rồi, đã cho 4 người đi Nhật; năm tới sẽ cho 2 người đi Pháp tham quan về kịch thiếu nhi và 2 người đi Mỹ học kịch người lớn. Mỗi chuyến đi khoảng 2-3 tuần. Chấp nhận bỏ tiền túi thôi, nếu không thì ai lo cho mình”.

Một dự án có vẻ riêng tư nhưng thực sự đáng nể đối với một sân khấu xã hội hóa như IDECAF. Vậy tại sao sân khấu cả nước lại không thể có một định hướng tương tự?

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.