(Tin Nóng) Đảo Jeju, địa chỉ du lịch ở Hàn Quốc với cảnh quan hùng vĩ, thiên nhiên được bảo tồn tốt và lối sống mộc mạc của cư dân còn bền chặt với truyền thống văn hóa địa phương ngàn xưa sẽ sớm thay đổi khi nơi đây bắt đầu tràn ngập du khách, kéo theo những nhà đầu tư, nhà buôn, nhà cung ứng dịch vụ và giải trí.
|
Năm 2012, khi cô Kim Ho-san mở một cửa hàng thời trang trên hòn đảo nghỉ mát Jeju phía cực nam của Hàn Quốc, cửa hàng cô đã có một địa thế tốt để hưởng lợi từ dòng chảy du khách Trung Quốc đang ngày một tăng. Tuy nhiên, 6 tháng sau, chủ nhà đã yêu cầu cô phải rời đi nơi khác. Theo cô, chủ nhà muốn mở một cửa hàng của riêng mình để thu lợi khi thấy doanh số gia tăng nhờ du khách đến từ Trung Quốc.
Kể từ đó, số lượng du khách Trung Quốc đến Jeju đã tăng vọt, không chỉ mang lại sự giàu có và công ăn việc làm mà còn gây căng thẳng giữa người dân địa phương, cũng như sự oán giận đối với du khách. Dân địa phương nói rằng thỉnh thoảng xảy ra ẩu đả giữa dân Hàn và khách Trung Quốc tại các cửa hàng và quán bar.
Ngoài ra, việc tăng mạnh nguồn đầu tư bất động sản từ Trung Quốc cũng đang tái định hình nền kinh tế địa phương và ép giá các loại đất. Các chung cư, khách sạn và sòng bạc đang mọc lên quanh hòn đảo, một sự phát triển được các quan chức địa phương chào đón với mong muốn thúc đẩy nền kinh tế kém sôi động, nhưng bị một số người dân và doanh nghiệp phản đối. Một khách sạn do người Hàn Quốc quản lý đã trương lên một biểu ngữ nhằm phủ nhận tin đồn họ đã bị người Trung Quốc mua lại, sau khi bị dân địa phương tẩy chay.
|
Đất đai thuộc sở hữu cá nhân và của các nhà phát triển Trung Quốc trên đảo Jeju đã tăng hơn gấp đôi năm trước. Một nhân tố kích thích khác là việc cấp quyền thường trú tại Hàn Quốc dành cho các nhà đầu tư lớn nước ngoài trên đảo Jeju, cho phép họ được hưởng lợi ích về y tế, giáo dục và việc làm như người Hàn Quốc.
Giáo sư Kim Tae-il thuộc Đại học Quốc gia Jeju đã ví đó như cơn cuồng loạn về bất động sản ở Hawaii vào cuối năm 1970, các nhà đầu tư Nhật Bản đã mua lại tòa nhà chọc trời, căn hộ và các tài sản khác, khi đồng yen tăng giá so với USD. Ông nói: “Người Trung Quốc đến và bắt đầu mua mà chẳng quan tâm đến giá cả, như người Nhật đã từng làm ở Hawaii”.
Tương ứng với mức thu nhập gia tăng và việc hạn chế đi lại được nới lỏng, năm 2014 qua người Trung Quốc là nhóm đi du lịch nước ngoài đông nhất thế giới, với hơn 100 triệu chuyến đi bên ngoài lục địa. Công ty nghiên cứu CLSA dự đoán con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020, một tiềm năng hấp dẫn thúc đẩy kinh tế dành cho các nước có sức thu hút du khách Trung Quốc.
Hàn Quốc đã đặc biệt chào đón du khách Trung Quốc đến Jeju, miễn thị thực cho họ khi cần đến các nơi khác của Hàn Quốc. Việc phổ biến dòng nhạc pop và phim Hàn tại Trung Quốc cùng với đồng tiền Trung Quốc đang dần được coi trọng cũng giúp thu hút khách.
Về địa lý, Jeju chỉ cách Thượng Hải 1 giờ bay, hoặc 2 tiếng rưỡi nếu bay từ Bắc Kinh. Lý do chính khiến cho hầu hết mọi người muốn du lịch Jeju là được miễn thị thực. Theo bà Willa Wu, một nữ doanh nhân Hàng Châu (Trung Quốc), đã từng nhiều lần đi Jeju cho biết giá đi du lịch theo nhóm lại rẻ.
Số du khách Trung Quốc đến Jeju đã tăng 58%, lên 2,9 triệu người vào năm 2014, gần bằng một nửa số kỷ lục 6,1 triệu khách Trung Quốc đến Hàn Quốc năm 2014. Một động thái khác giúp cho nền kinh tế địa phương khởi đầu tăng vọt, khi vào tháng 2.2010 chính quyền nới lỏng luật đầu tư, trao quyền thường trú nhân cho người nước ngoài mua tài sản trị giá ít nhất 500 triệu won (450.450 USD) tại khu vực quy định trong 5 năm. Kim Nam-sun, một lãnh đạo chính quyền tỉnh Jeju cho biết: “Lượng khách và nhà đầu tư Trung Quốc tăng cao giúp chúng tôi tăng doanh thu thuế và nâng cao thương hiệu của Jeju như một điểm đến nghỉ dưỡng toàn cầu”.
Những người Trung Quốc giàu có hướng ra nước ngoài khi thị trường bất động sản trong nền kinh tế lớn nhất châu Á này đang nguội lạnh. Từ khi chương trình ra đời, hơn 1.000 người nước ngoài đã xin cư trú, dân Trung Quốc chiếm tới 98%. Theo chính phủ Hàn Quốc, trong năm qua, tổng diện tích đất đảo Jeju do nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu đã lên đến 8,34 triệu m2 so với 1,42 triệu m2 vào năm 2011.
|
Làn sóng nhà đầu tư và du khách Trung Quốc tại Jeju cũng phản ánh sâu sắc mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn du khách hàng đầu của Hàn Quốc, vượt qua khách từ Nhật Bản vào năm 2013. Vừa qua, hai nước đã có bước đi đầu tiên nhằm hoàn tất một hiệp định tự do thương mại song phương và hướng đến việc thắt chặt mối quan hệ nồng ấm giữa hai nước.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy cho nền kinh tế Jeju từ Trung Quốc cũng gây tranh cãi về tác động xã hội. Dòng vốn từ Trung Quốc khiến một số cư dân Jeju lo ngại, vì nhiều tiền của đã dồn vào sự phát triển các sòng bạc, khách sạn và công viên giải trí mới. Một số phàn nàn rằng các sòng bạc và khách sạn đang mọc lên gần trường học và khu dân cư, cũng như làm gia tăng tình trạng tắc nghẽn giao thông.
P. Nguyễn Dũng
(tổng hợp)
>> Bị va chạm trên Vạn Lý Trường Thành, một du khách thiệt mạng
>> Orlando, thành phố thu hút nhiều du khách nhất nước Mỹ
>> Bỏ thị thực nhập cảnh, du khách đến Nhật gia tăng
>> Mỹ cải tiến thủ tục, tăng sức hút du khách quốc tế
>> Du khách Trung Quốc đến ASEAN đang giảm mạnh
>> Du khách Trung Quốc: Yêu mà ghét !
>> Cuộc chiến bảo tàng trên đảo Jeju
Bình luận (0)