Trong đó, các đại biểu đòi hỏi lãnh đạo Sở Nội vụ và UBND tỉnh Quảng Bình có câu trả lời thẳng thắn về tình trạng một bộ phận cán bộ không làm việc, chơi bời, vi phạm pháp luật và cán bộ đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm, sợ sai nên "đá bóng" từ cấp dưới lên cấp trên.
Bình luận về thực trạng đáng buồn trên, ông Trần Hải Châu, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình, nói thẳng rằng lẽ ra Quảng Bình đã có những kết quả to lớn hơn nếu như không còn những kiểu cán bộ "sợ sai". Ông Châu cho rằng cần lấy hiệu quả công việc làm thước đo chất lượng cán bộ; khi cán bộ, người đứng đầu làm việc không có kết quả (chưa nói là không làm, đùn đẩy…) thì nên thay thế hoặc từ chức.
Là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phụ trách lĩnh vực này, ông Hồ An Phong cũng đăng đàn trả lời. Ông nói tình trạng cán bộ vi phạm kỷ cương, "sợ sai", không làm việc… có từ lâu, nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ trở thành khuynh hướng tiêu cực. Ông cho biết UBND tỉnh Quảng Bình đang rất quyết tâm để loại thải những cán bộ như vậy, với dẫn chứng chỉ trong 6 tháng đầu năm Quảng Bình xử lý kỷ luật đến 82 cán bộ công chức...
Những phát biểu trên của ông Phong được Thanh Niên trích dẫn trong bài tường thuật phiên họp. Nhưng đến hôm sau, người viết mới hay trước thời điểm đăng đàn 30 phút, ông Phong biết tin mẹ ruột qua đời ở quê nhà (cách nơi họp 40 km).
"Làm sao anh có thể bình tĩnh như thế?", người viết hỏi. Ông Phong bảo rằng dù mẹ đã già yếu và nằm một chỗ 4 năm qua, nhưng việc mẹ ra đi đối với ông luôn là đột ngột, mắt ông như nhòa đi trong khoảnh khắc nghe tin báo. "Nếu tôi rời cuộc họp đi luôn, sẽ chẳng ai có thể phán xét tôi. Nhưng là người phụ trách lĩnh vực, nếu tôi không đứng ra phát biểu trở lại với các đại biểu, các cử tri… thì rõ là đã không hoàn thành trách nhiệm của mình. Tôi chỉ có 15 phút để định thần trước khi lên phát biểu", ông Phong nói khi PV Thanh Niên đến viếng tang mẹ ông.
Với người viết, mẩu chuyện của ông Phong là ví dụ khá rõ về thái độ trách nhiệm của cán bộ đối với công việc.
Bình luận (0)