Đào đường làm tăng ô nhiễm không khí

14/04/2009 23:08 GMT+7

Tình trạng ô nhiễm không khí ở TP.HCM ngày càng trầm trọng, tác động mạnh đến cuộc sống của người dân thành phố.

Bụi ngày càng nhiều

Tại cuộc hội thảo về chất lượng môi trường không khí TP.HCM do Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và trường Cao đẳng TN-MT TP.HCM tổ chức hôm qua 14.4, kỹ sư Nguyễn Thanh Huy (Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM) cho biết, kết quả quan trắc chất lượng không khí do giao thông tại các trạm quan trắc tự động năm 2008 cho thấy nồng độ bụi vượt chuẩn cho phép từ 1,24 - 2,59 lần, nhất là tại trạm quan trắc ở ngã tư An Sương (Q.12) vượt tiêu chuẩn cho phép đến 4,8 lần. So với năm 2007, nồng độ bụi quan trắc năm 2008 tăng từ 1,06 - 1,18 lần tại 5 trạm quan trắc, trong đó trạm ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (Q.7) tăng nhiều nhất. Nồng độ CO tăng từ 1,02 - 1,43 lần tại 4 trạm, trong đó tăng nhiều nhất là trạm ngã sáu Gò Vấp. Đáng mừng là nồng độ chì giảm đi nhiều so với năm 2007.

Các ngã tư, vòng xoay hay khu vực thi công đào đường đang là những điểm nóng ô nhiễm không khí tại TP.HCM, trong đó ngã tư An Sương (Q.12), ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ (Q.1), ngã sáu Gò Vấp là những nơi ô nhiễm nhất trong các kỳ quan trắc năm 2008. Điều này được giải thích do lưu lượng phương tiện giao thông trên các tuyến đường ở những khu vực này quá lớn, trong khi chất lượng đường sá quá kém và nạn kẹt xe liên tục xảy ra.

Thiệt hại hơn cả kẹt xe

Theo GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, môi trường không khí bị ô nhiễm thì con người đều phải hít thở trực tiếp, có thể dẫn đến ngạt thở, nôn mửa, đau đầu, hôn mê và hàng loạt các bệnh liên quan đến phế quản, phổi, mắt, tim mạch, thần kinh... Còn PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn cho biết, ở Ấn Độ - nơi có số lượng xe máy cao nhất châu Á - năm 2008 có khoảng 1 triệu người tử vong sớm do ô nhiễm không khí.

Thạc sĩ Dương Thị Minh Hằng (Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM) nhận định, phát thải xe gắn máy là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Còn theo ông Lê Anh Tú (Cục Đăng kiểm Việt Nam), tại TP.HCM, xe gắn máy chiếm 95% tổng số phương tiện giao thông và lượng xăng tiêu thụ của xe gắn máy chiếm khoảng 60%, nhưng lượng khí thải ra lại lớn hơn rất nhiều so với tổng lượng khí thải của các loại xe. Hiện TP.HCM có hơn 4 triệu phương tiện giao thông, riêng xe gắn máy cứ khoảng 2 người dân là có 1 chiếc (tỷ lệ này trên cả nước là 4 người/chiếc).

Các nhà khoa học, nhà quản lý tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp kiểm soát khí thải, nhưng so với các nước ở châu Á, Việt Nam là một trong những nước thực hiện việc này chậm nhất. Năm 2007, Việt Nam mới bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn Euro 2 đối với xe sản xuất mới và xe nhập khẩu. Đối với các xe đang sử dụng, các nước đã thực hiện kiểm tra định kỳ khí thải xe gắn máy từ những năm 1990, trong khi Việt Nam thì đang xây dựng đề án kiểm soát khí thải, dự kiến sẽ áp dụng thí điểm trong năm nay trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM.

GS Phạm Ngọc Đăng (Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam) cho rằng, có nhiều biện pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí đô thị, trong đó có việc thắt chặt các tiêu chuẩn, giảm thiểu khí thải từ xe cộ. Nâng cao chất lượng xăng dầu như việc giảm hàm lượng sulfur trong dầu diesel, hay xăng không pha chì.

Ùn tắc giao thông cũng là một trong những tác nhân trực tiếp làm gia tăng ô nhiễm khí thải đô thị. Theo PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, việc quy hoạch cải tạo mạng lưới giao thông để tránh xảy ra ùn tắc là việc cần thiết. Không chỉ tắc nghẽn giao thông gây thiệt hại, mà ô nhiễm không khí gây thiệt hại còn cao hơn nhiều. Tại Bangkok (Thái Lan), tắc nghẽn giao thông một năm gây thiệt hại khoảng 400 triệu USD, nhưng ô nhiễm không khí do tắc nghẽn giao thông có thể gây thiệt hại từ 1,3 - 3,1 tỉ USD. Còn ở Seoul (Hàn Quốc), thiệt hại do tắc nghẽn giao thông trong 1 năm là 154 triệu, trong khi thiệt hại do ô nhiễm không khí đến trên 6 tỉ USD.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.