Đào đường để lắp đặt cống thoát nước, cáp viễn thông, cáp điện lực... là việc bất khả kháng để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của một đô thị hiện đại.
Song, việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông, sinh hoạt, kinh doanh của người dân. Đặc biệt có nhiều công trường ban đêm ngừng hoạt động, đến sáng lúc xe lưu thông cao điểm lại thi công. Cứ vào thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới là mùa kinh doanh tết lại chính là lúc nhiều tuyến đường bị đào xới lên rồi tái lập cẩu thả, nhếch nhác... Theo thông tin từ Sở GTVT, trên địa bàn TP.HCM hiện có 57 đoạn rào chắn chiếm dụng mặt đường.
Ngoài số rào chắn mà người dân quen gọi là “lô cốt” nói trên, những ngày này dễ thấy một số tuyến đường ở trung tâm TP.HCM đang được cào lớp mặt lên để thảm lại bê tông nhựa mới. Mặt đường cào lên xong để đó, không thảm nhựa, khiến người đi xe hai bánh khi qua nơi này vừa phải hít bụi, vừa loạng choạng muốn trượt ngã, không an toàn. Chưa kể, nhiều đoạn đường xe chạy vẫn còn êm (như trên đường Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng…) cũng bị cào lên làm lại, dẫn đến lãng phí.
Mới đây, Sở GTVT TP đã yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dở dang để phục vụ đi lại của người dân trong dịp tết, đồng thời thu dọn, làm vệ sinh công trường, tái lập hoàn trả mặt bằng trước ngày 18 tháng chạp âm lịch. Đối với các dự án có rào chắn chiếm dụng mặt đường, chủ đầu tư, nhà thầu tạm ngưng thi công tất cả công trình hạ tầng kỹ thuật từ 23 tháng chạp đến hết ngày mùng 8 tháng giêng (1 - 15.2).
Việc ngưng thi công trong thời gian cao điểm trước tết là hợp lý, bởi lượng người lưu thông trên đường phố ở đô thị lớn như TP.HCM vào khoảng 10 ngày trước Tết Nguyên đán rất lớn, nhất là các trục ra vào sân bay, bến xe, cửa ngõ TP...
Nhưng khoảng 10 ngày sau tết, đường phố rất vắng vẻ. Đây là lúc thuận lợi nhất cho việc thi công trên đường phố. Do vậy, để tránh thiệt hại với người dân, cản trở giao thông, Sở GTVT nên yêu cầu thi công ngay sau tết, khi đường phố chưa đông đúc trở lại. Tương tự, vào các ngày thứ bảy và chủ nhật trong tuần, mật độ lưu thông trên đường phố cũng giảm hơn các ngày khác, việc thi công cần được đẩy nhanh, tăng ca thay vì “dàn trải” ra các ngày trong tuần gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, kinh doanh bình thường của người dân. Bên cạnh đó, cũng cần đưa những thiết bị công nghệ mới, phương tiện hiện đại vào thi công để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian như công nghệ sửa cống không cần đào đường được chuyên gia và kỹ sư Công ty Sekisui (Nhật Bản) từng thực hiện tại Q.1.
Theo quy định hiện nay, các công trình trên đường phố chỉ được phép thi công vào ban đêm để hạn chế ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, cũng còn những đơn vị thi công ban đêm xong để ngổn ngang, gây mất mỹ quan đô thị, cản trở và mất an toàn giao thông ngay giữa ban ngày. Việc này cũng cần được chấn chỉnh nghiêm.
Bình luận (0)