Đảo hậu cần sầm uất giữa biển khơi

16/04/2017 07:43 GMT+7

Thổ Chu đã trở thành một trung tâm hậu cần nghề cá giữa biển khơi. Hiện tại, đảo có khoảng 15 doanh nghiệp với khoảng 25 - 30 tàu chuyên làm dịch vụ hậu cần nghề cá với sản lượng thu mua bình quân từ 50 - 70 tấn/ngày.

Chuyện ông Ba Tài
Đứng trên boong chiếc tàu sắt thu mua hải sản lớn nhất vịnh Bãi Ngự, ông Dương Tấn Tài (Ba Tài, 66 tuổi, quê ở H.Châu Thành, Kiên Giang) tất bật cùng nhân công thu mua cá từ tàu của anh Lê Ngọc Nhân, một ngư dân H.Phú Mỹ, Bình Định vừa cập cảng Thổ Chu. Hàng chục nhân công ở cả bên bán lẫn bên mua làm việc luôn tay với các công đoạn xay nước đá, cân cá, ướp cá, ghi chép... Những khay nhựa chứa đầy cá tươi sau khi cân, cộng sổ, ướp nước đá được chuyền xuống khoang tàu nhuần nhuyễn, liên tục.
Qua lời giới thiệu của ông Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu (đảo Thổ Chu), chúng tôi biết ông Ba Tài là một trong những người đầu tiên đưa nghề dịch vụ hậu cần cho tàu cá ra quần đảo Thổ Chu từ năm 1997. Bây giờ, khắp quần đảo này và cả vùng biển tây nam rộng lớn, hầu như ghe, tàu nào cũng biết đến ông cùng 4 chiếc tàu hậu cần Trung Kiên. Đó cũng là những chiếc tàu luôn sẵn sàng ứng cứu ngư dân khi gặp sự cố trên biển.
Ông Ba Tài kể, mọi chuyện bắt đầu từ cơn bão số 5 khủng khiếp năm 1997. Đêm xảy ra bão, 17 chiếc tàu xuất phát từ Hòn Chuối (Cà Mau) cố gắng chạy vào bờ thì 16 chiếc tàu cùng hàng trăm người bị sóng đánh úp. Chỉ có duy nhất tàu của ông với khoảng 40 người trên tàu sống sót… “Biến cố ấy ám ảnh tôi một thời gian dài trước khi quyết định bỏ hẳn nghề đánh bắt chuyển sang làm hậu cần”, ông Tài nói.
Chiếc tàu sắt của ông Ba Tài trị giá 22 tỉ đồng, trọng tải đến 380 tấn, hiện là phương tiện làm dịch vụ hậu cần lớn nhất ở Thổ Chu. Nói về chiếc tàu “con cưng”, ông Tài tỏ vẻ tự hào bởi giờ đây mỗi chuyến về bờ rồi trở ra đảo, ông có thể cung cấp cho các tàu cá 8.000 cây đá cùng 400.000 lít dầu và đủ thứ hàng hóa khác. “4 chiếc tàu của tôi chạy luân phiên nên cứ chiếc này vào bờ thì chiếc kia ra khơi. Vì thế, ai cần dầu, nước đá, hàng hóa, lương thực, thực phẩm chỉ cần gọi điện thoại là có”, ông Ba Tài nói.
Quần đảo Thổ Chu được xem là cực tây nam của VN, thuộc H.Phú Quốc (Kiên Giang), nằm cách bờ vịnh TP.Rạch Giá khoảng 220 km. Quần đảo có 8 đảo, trong đó đảo Thổ Chu có diện tích lớn nhất với khoảng 14 km2. Ngày 24.4.1993, Chính phủ có quyết định thành lập xã đảo Thổ Châu, là đơn vị hành chính đóng trên đảo Thổ Chu, trực thuộc H.Phú Quốc. Ở Thổ Chu, Bãi Ngự và Bãi Dong là 2 cửa vịnh được che chở bằng những dãy núi, rất thuận lợi cho ghe, tàu tránh gió bão và giao thương buôn bán.
Sau khi cung cấp dầu, nước đá, hàng hóa cho ngư dân xong, chiếc tàu sắt của ông sẽ lưu lại Thổ Chu khoảng 5 ngày để thu mua. Và mỗi chuyến trở về đất liền qua cảng Tắc Cậu (H.Châu Thành, Kiên Giang), tàu của ông lại mang theo khoảng 100 tấn cá mua của ngư dân. Anh Nhân, ngư dân bán cá cho ông Ba Tài, chia sẻ: “Khi chạy vào Thổ Chu bán cho các tàu thu mua và tiếp nhiên liệu sẽ giúp cho những chuyến đi biển ngắn hơn. Điều quan trọng nữa là mình không còn canh cánh lo thương lái chê cá không tươi rồi ép giá như trước đây”.
“Trạm dừng chân” của tàu cá
Ấp Bãi Ngự, nằm ngay bên trong cầu cảng, cũng là nơi tập trung dân cư đông nhất quần đảo Thổ Chu. Tại đây, quán ăn, quán nước, cửa hàng tạp hóa, chợ thực phẩm san sát... hầu như không thiếu mặt hàng gì so với đất liền. Phía ngoài bờ biển, hàng trăm chiếc ghe nhỏ chuyên đưa rước ngư dân trên tàu đậu ngoài vịnh ra vào bờ rẽ sóng liên tục. Ở Thổ Chu, những chiếc ghe nhỏ này cũng như xe ôm trên bờ. Ngư dân trên tàu đậu ở vịnh muốn vào bờ ăn uống, nghỉ ngơi chỉ cần gọi điện thoại hoặc ra mũi tàu vẫy tay, lập tức sẽ có ghe ra đón. “Một lượt đi chỉ 10.000 đồng/người. Mỗi ngày chịu khó chạy cũng được từ 300.000 - 400.000 đồng”, anh Sang, một thanh niên chạy ghe, cho biết.
Ông Đỗ Văn Dừng bảo rằng chính nhờ có những doanh nghiệp làm hậu cần phục vụ ngay trên biển như ông Ba Tài nên số lượng ghe, tàu đánh bắt của ngư dân vào đảo Thổ Chu ngày càng nhiều. Đến nay, không chỉ có ngư dân các tỉnh miền Tây như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre mà có cả ghe, tàu của các tỉnh miền Trung... “Ghe, tàu vào đảo nhiều còn kéo theo các dịch vụ trên bờ phát triển, các cơ sở sơ chế hải sản như mực, cá khô cũng hình thành. Nhờ đó người dân có thêm cơ hội việc làm, kinh tế xã đảo cũng chuyển biến từng ngày”, ông Dừng nói.
Năm 2016, hoạt động chế biến thủy hải sản ở Thổ Chu đạt sản lượng gần 1.000 tấn. Tổng mức hàng hóa bán lẻ trên đảo ước đạt 26 tỉ đồng, trong đó có phần đóng góp rất lớn từ dịch vụ hậu cần cho tàu cá... Đó thực sự là những con số ấn tượng khi xã đảo Thổ Châu hiện chỉ có 621 hộ dân với khoảng 1.900 người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.