Đạo luật MiCA và bài học kinh nghiệm cho thị trường blockchain Việt Nam

24/06/2023 09:00 GMT+7

Ngày 20.4 vừa qua, Nghị viện châu Âu chính thức phê duyệt Đạo luật thị trường tài sản số (MiCA) nhằm thắt chặt quản lý. Đây được xem là động thái mang tính tiên phong của châu Âu trong thị trường tài sản số, blockchain.

Đạo luật MiCA xuất hiện như liều thuốc đối với lĩnh vực tiền mã hóa khi rủi ro đang ngày càng tăng cao. Dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2024. MiCA được kỳ vọng sẽ cung cấp sự chắc chắn về mặt pháp lý cho các loại tài sản số không nằm trong quy định tài chính hiện hành của châu Âu. Cụ thể, MiCA sẽ đưa tất cả các nhà phát hành và nhà cung cấp dịch vụ tài sản số (CASP) vào một khuôn khổ cấp phép theo quy định và tạo một khung pháp lý cụ thể cho các loại stablecoin.

Đạo luật MiCA và bài học kinh nghiệm cho thị trường blockchain Việt Nam - Ảnh 1.

Đạo luật MiCA được xem là bước đột phá trong việc quản lý thị trường tài sản số

Vì sao MiCA quan trọng?

Luật sư Đào Tiến Phong - CEO Investpush Legal, chuyên gia pháp lý của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) với gần 20 năm kinh nghiệm trong ngành - nhận định: "Liên minh châu Âu là một liên minh chính trị, kinh tế và quân sự quan trọng nhất thế giới. Vậy nên MiCA được xem là bước đột phá quan trọng trong quản lý thị trường tài sản số tại châu Âu và từ đó có thể là hình mẫu ảnh hưởng các quy định và chính sách quản lý thị trường tài sản số trên thế giới".

Luật gia Lê Tấn Nhật - CEO C-Spaceship, chuyên gia pháp lý Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng đánh giá sự ra đời của MiCA là "một bước tiến đáng kể trong việc quản lý thị trường tài sản số tại lục địa già", nhất là khi thị trường tiền số châu Âu đã chứng kiến nhiều vụ lừa đảo.

Theo luật sư Đào Tiến Phong, ở giai đoạn đầu, việc áp dụng MiCA sẽ có tác động tiêu cực và tích cực, nhưng sự tích cực sẽ chiếm ưu thế. Đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng trực tiếp có thể là các startup và các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số trong khu vực châu Âu. Những đối tượng này sẽ phải tuân thủ các quy định mới được đưa ra trong MiCA như đăng ký, bảo vệ khách hàng, quản lý rủi ro, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và các nghĩa vụ báo cáo giám sát. MiCA chắc chắn sẽ làm tăng gánh nặng tài chính cho các nhà cung cấp và startup sẽ khó khăn khi triển khai. Tuy nhiên theo chiều ngược lại, các dự án yếu kém sẽ được thanh lọc đáng kể, giúp thị trường trở nên lành mạnh và an toàn hơn.

Trong khi đó, đối tượng được hưởng lợi lớn là người dùng và các nhà đầu tư. Chính bản thân các quốc gia trong Liên minh châu Âu sẽ được hưởng lợi vì có thể quản lý và thu thuế từ các hoạt động này, giảm sự bất ổn kinh tế mà các rủi ro không có kiểm soát trong lĩnh vực tài sản số có thể xảy ra.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Hiện nay Việt Nam chưa chính thức thừa nhận loại tài sản mã hóa là tài sản hay tiền tệ, nhưng các cơ quan quản lý Việt Nam đang tích cực nghiên cứu tài sản mã hóa, cụ thể là Nghị quyết 01/NQ-CP mới đây về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định tiếp tục nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, cơ chế quản lý tiền điện tử, tài sản ảo, tiền ảo. Cụ thể trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng và thí điểm việc sử dụng "tiền ảo" dựa trên công nghệ blockchain được Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2021-2023.

Đạo luật MiCA và bài học kinh nghiệm cho thị trường blockchain Việt Nam - Ảnh 2.

Phó chủ tịch thường trực VBA phát biểu về RegTech tại sự kiện 19th World Blockchain Web 3.0 Marvels HCMC 2023

Luật sư Đào Tiến Phong nhận định: "Sự ra đời của MiCA rất đáng để các nhà hoạch định chính sách học hỏi kinh nghiệm khi triển khai thực tiễn. Có một vài điểm đáng quan tâm khi nghiên cứu MiCA mà chúng ta có thể học hỏi. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu các điểm hạn chế của MiCA như chưa nhắc tới rõ ràng các quy định cho hoạt động tài chính phi tập trung (DeFi) và NFT. Đặc biệt NFT bản chất cũng là token và từ lâu được mặc định xem như một loại tài sản số. Hay việc MiCA điều chỉnh các tổ chức phát hành token với tư cách là các thực thể, chứ không điều chỉnh các hoạt động trao đổi token. Đây là những điểm cần nghiên cứu thấu đáo".

Còn theo Luật gia Lê Tấn Nhật, Việt Nam có thể tham khảo MiCA đầu tiên về cơ chế quản lý các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số, cụ thể là yêu cầu nhà cung cấp đăng ký và tuân thủ quy định, nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn cho người dùng. Tiếp theo, cần tạo ra một cơ quan giám sát thị trường tài sản số để đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số tuân thủ quy định và ngăn chặn các hoạt động tội phạm, rửa tiền.

Ông cho biết việc đồng nhất các quy định pháp lý giúp tạo ra một môi trường kinh doanh và đầu tư an toàn, thu hút nhà đầu tư nước ngoài và giúp thị trường tài sản số phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế số, xã hội số. Cần có các quy định về các hành vi vi phạm, các chế tài giữa các giao dịch dân sự hoặc các quy định về mặt hình sự để đảm bảo tính hợp lệ của thị trường tài sản số. Đặc biệt, việc tuân thủ quy định sẽ giúp các cơ quan thuế có thể tính toán việc quản lý các nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh từ tiền điện tử để có thể có biểu thuế truy thu một cách chính thống nhất.

Khi công nghệ hỗ trợ tuân thủ pháp lý

Với sự ra đời của MiCA trong bối cảnh cơ quan quản lý thắt chặt quản lý thị trường tài sản số, việc xuất hiện công cụ nhằm giảm thiểu độ phức tạp trong việc tuân thủ quy định pháp lý trong lĩnh vực công nghệ, tài chính - ngân hàng trở nên không thể tránh khỏi. Đã có không ít công ty và dự án được thành lập, cung cấp giải pháp ngăn chặn tội phạm tài chính, quản lý rủi ro, trong số đó phải kể tới Chainalysis, CertiK, CipherTrace, Elliptic...

Hiệp hội Blockchain Việt Nam đặt nhiệm vụ tuân thủ pháp lý ở mức độ ưu tiên cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, tài chính. Trong năm 2023, dự án Chống lừa đảo ChainTracer, một sản phẩm của Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Chống Lừa Đảo, đã ra đời.

Dự án này cung cấp nguồn dữ liệu mở cho cộng đồng và các cơ quan chức năng tra cứu miễn phí, nhằm hỗ trợ công tác điều tra, xác minh, từ đó đóng góp vào việc quản lý, tuân thủ AML quốc tế, tạo ra cơ sở tham khảo cho Bộ, ban, ngành để thúc đẩy việc đáp ứng các tiêu chuẩn AML trong hoạt động quản lý tiền tệ.

Theo ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực VBA, Việt Nam chưa có sản phẩm RegTech (công nghệ hỗ trợ tuân thủ pháp lý) đúng nghĩa để đảm bảo quá trình đáp ứng các quy định của cơ quan quản lý. Ông cho rằng doanh nghiệp nên tập trung vào RegTech thay vì chạy theo xu hướng hiện tại như Metaverse, GameFi,… Khi đó, phát triển RegTech Việt Nam phải đi cùng thúc đẩy sandbox tại địa phương. Việc này đòi hỏi nỗ lực của tất cả đơn vị làm việc với chính quyền. Bên cạnh đó, VBA sẽ cùng cộng đồng và các tổ chức, doanh nghiệp RegTech nước ngoài như Chainalysis, Certik… cùng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.