Thực tế tình trạng cướp giật lộng hành ở TP.HCM không chỉ diễn ra phổ biến ở giữa khuya về sáng mà ngay giữa ban ngày, thậm chí trên đường phố đông đúc xe cộ giờ cao điểm và bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân, kể cả công an. Về thủ đoạn và phương thức ra tay không thể có từ nào chính xác hơn nhận định của chính Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm khi đề cập đến vấn đề này trước nghị trường hồi đầu tháng 12.2012: “tàn bạo và táo tợn”.
Việc thành lập tổ công tác 612, gồm nhiều lực lượng phối hợp để tuần tra, trấn áp tội phạm là một giải pháp đúng nhằm giải quyết mối lo về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Nhưng thực tế nhìn từ đợt ra quân rầm rộ đầu tiên vào rạng sáng 11.1 và phát biểu của lãnh đạo công an về kế hoạch sắp tới của tổ công tác, khiến người dân không khỏi lo ngại về tính hiệu quả và đúng hướng của lực lượng này.
Khác với hình dung của đại đa số người dân là lực lượng đặc biệt này với sức mạnh của nhiều đơn vị hợp lại, hợp đồng tác chiến quy mô, được trang bị chu đáo cả về vũ khí, áo chống đạn và… cả chó nghiệp vụ, ắt hẳn phải ra tay truy bắt được nhiều băng nhóm giang hồ, bảo kê, đâm thuê chém mướn, cướp giật có tổ chức... thì ngược lại, chiến dịch lớn đầu tiên là “trấn áp” các vũ trường, quán bar để kiểm tra nồng độ cồn người từ đây ra có điều khiển phương tiện giao thông và soát xét giấy tờ tùy thân người đi bộ. Kết quả của cuộc trấn áp “hoành tráng” này là phát hiện 93 trường hợp vi phạm giao thông (trong đó có 72 trường hợp do không có giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe) và thu giữ 3 cây ma trắc.
Điều đáng lo là trong kế hoạch sắp tới, tổ công tác này cho biết tiếp tục phương pháp trấn áp tìm tội phạm bằng cách kiểm tra hành chính ở các nhà hàng, quán bar, quán nhậu, vũ trường… và sau đó thử độ cồn, giấy tờ tùy thân, khám xét cốp xe.
Ở góc độ ngăn ngừa từ xa và bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì công tác này là cần thiết, nhưng trong tình hình cướp giật lộng hành như hiện tại thì hoạt động này ví như dùng “dao mổ trâu giết gà”, nếu không nói là có nguy cơ biến ý nghĩa phụ của việc hình thành lực lượng sang thành mục đích chính.
Điều cũng rất đáng bàn là du khách nước ngoài đến TP.HCM sẽ nghĩ gì và ấn tượng ra sao với hình ảnh hàng trăm cảnh sát trang bị vũ trang, chó nghiệp vụ, xe đặc chủng… được huy động chặn đường, bắt xe làm náo động cả một phần trung tâm thành phố và sau này như kế hoạch sẽ là các tụ điểm vui chơi, giải trí khác ở một thành phố du lịch, dịch vụ?
Cũng cần nói thêm, tại hội nghị triển khai công tác phối hợp giữa các tỉnh, thành trọng điểm phía nam và phía bắc trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm diễn ra ngày 29.12, nhiều đại biểu lực lượng công an đã chỉ rõ điểm yếu để phát sinh tội phạm cướp giật chính là công tác quản lý địa bàn (nhà trọ, nhà thuê, vùng giáp ranh...).
Chính sự lỏng lẻo của địa phương là mảnh đất màu mỡ để kẻ xấu có điều kiện trà trộn ẩn náu và đợi thời cơ ra tay gây án. Do vậy, để đấu tranh, trấn áp tội phạm, đặc biệt là trộm cướp, trước hết cần siết chặt trách nhiệm của cảnh sát khu vực, cảnh sát hình sự địa phương nhằm làm sạch từ gốc. Còn với lực lượng đặc biệt kiểu tổ công tác 612, người dân kỳ vọng phải làm được nhiều hơn kế hoạch kiểm tra vũ trường, quán bar, đo nồng độ cồn và xử lý vi phạm giao thông. Phải khiến tội phạm cướp giật trên đường phố kinh sợ, bỏ nghề chứ không chỉ như cái tít có phần hài hước trên báo mạng khi nói đến chiến dịch này: “612 ra quân, chân dài khiếp vía”.
Trọng Phước
Bình luận (0)