Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ và các quy định liên quan sẽ tăng tính răn đe với những đối tượng có tiền án, tiền sự, thường xuyên gây rối trật tự công cộng, hành hung người khác.
Tuy nhiên, ông Cảnh cho rằng, phương án này cũng có hạn chế. Theo ông, nếu quy định dao từ 20 cm trở lên hoặc dao tự chế là vũ khí thô sơ thì các đối tượng trên có xu hướng sử dụng vũ khí thô sơ theo luật hiện hành nhiều hơn là dao có chiều dài trên 20 cm trở lên vì vũ khí thô sơ có lợi thế hơn trong các cuộc ẩu đả.
Để hạn chế thương vong từ dao theo hướng phòng là chính, đồng thời tạo điều kiện để người dân có thể sử dụng dao cho mục đích lao động, học tập, thể dục thể thao thuận tiện, đại biểu đoàn Bình Định đề nghị quy định dao, vật sắc nhọn đang được sử dụng trong đời sống, sản xuất không được coi là vũ khí thô sơ.
Khi nào người cầm dao, vật nhọn trong hoàn cảnh được suy đoán là nguy cơ sử dụng không vì mục đích lao động, học tập, thể dục thể thao thì dao, vật nhọn trở thành vũ khí thô sơ và các cơ quan chức năng có thể sử dụng biện pháp nghiệp vụ để tước bỏ.
Từ đó, ông Cảnh đề nghị quy định rõ: dao, vật sắc nhọn có tính sát thương cao mà người sử dụng cầm, đeo trong trường hợp đang hoặc đã đe dọa hành hung khi đang gây ẩu đả, đeo đuổi người khác, hoặc va chạm giao thông hoặc một nhóm mang theo có mục đích không vì lao động, sản xuất, sinh hoạt thể dục thể thao thì được xem là vũ khí thô sơ.
Theo ông Cảnh, quy định như vậy có hiệu quả trong việc phòng ngừa ẩu đả vì ranh giới giữa vật dụng thông thường và vũ khí thô sơ được người dân quyết định. "Khi đó họ bỏ xuống thì không coi là vũ khí thô sơ, tránh thương vong", ông Cảnh nói.
Đại biểu Quốc hội: 'Dao người dân đang sử dụng gọi là vũ khí sao được, nó chỉ là công cụ'
Đề nghị giải thích rõ từ ngữ
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích rõ trong giải thích từ ngữ. Theo đại biểu Hòa, dao nếu sử dụng thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang thì gọi là vũ khí. Nếu sử dụng trong sinh hoạt gia đình, lao động sản xuất thì gọi là công cụ. Còn với những đối tượng xấu sử dụng để đe dọa tính mạng người khác thì gọi là hung khí.
Theo ông, dự thảo luật gom lại, quy định dao là vũ khí thô sơ trong khi dao được sử dụng trong sinh hoạt gia đình, lao động sản xuất. "Đề nghị ban soạn thảo xem gọi là vũ khí thô sơ có phù hợp không để giải thích từ ngữ rõ ràng. Dao người dân đang sử dụng gọi là vũ khí sao được, nó chỉ là công cụ", ông Hòa nêu.
Tương tự, với quy định cấm vận chuyển vũ khí, bao gồm vũ khí thô sơ, ông Hòa cho rằng, việc cấm này chỉ nên áp dụng đối với các đối tượng manh động, sử dụng dao, vũ khí thô sơ để hành hung người khác. Còn trong trường hợp vận chuyển cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, lao động sản xuất thì nên xem xét lại.
"Các cơ sở sản xuất dao mà cấm thì khó vì họ đều đăng ký sản xuất kinh doanh. Không cho họ vận chuyển, sản xuất thì nên xem xét lại. Không thôi luật ra ảnh hưởng cho người dân, người dân sinh hoạt khó khăn, khổ cho người ta", ông Hòa nhìn nhận.
Cạnh đó, ông Hòa cũng lo ngại quy định về việc khai báo vũ khí thô sơ với công an xã sẽ phiền hà cho người dân. Theo ông, đối với người sản xuất kinh doanh thì có thể khai báo, còn người dân chỉ sử dụng như công cụ thì không cần phải khai báo. "Khai báo như vậy rất phiền hà cho người dân", ông Hòa nói.
Dự thảo luật trình Quốc hội quy định, dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20 cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20 cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Trong các hành vi cấm, dự thảo luật cũng quy định cấm vận chuyển, mang trái phép vũ khí, bao gồm vũ khí thô sơ.
Về khai báo vũ khí thô sơ, dự thảo luật quy định, vũ khí thô sơ, bao gồm dao có tính sát thương cao làm hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo phải khai báo với công an xã nơi đặt trụ sở hoặc cư trú.
Cùng đó, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành phải khai báo thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất với công an xã.
Bình luận (0)