|
Vườn đào độc nhất
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn đào độc nhất tỉnh An Giang, ông Bảy Trác vừa nâng niu những cành đào chớm nụ vừa nói: “Mấy năm nay, thời tiết thay đổi nên đào ra hoa ít dần. Tui cố chăm bón để mỗi năm, những gốc đào Nhật Tân này đều ra hoa, cho mùa xuân đất Bắc lại về trên đất phương Nam”.
Để đến với vườn đào, chúng tôi gửi xe dưới chân núi, bắt cuốc honda ôm - một phương tiện di chuyển nhanh, gọn nhất - thẳng tiến lên đỉnh núi. Đường lên núi Cấm ngoằn ngoèo, những khúc cua uốn lượn quanh co theo triền núi. Càng lên cao, không khí càng lạnh. Nhiệt độ quanh năm trên đỉnh núi dao động từ 18 - 25 độ C. Thế mới hiểu vì sao người ta thường ví núi Cấm như Đà Lạt thứ hai ở vùng châu thổ Cửu Long này.
Vườn hoa của ông Bảy Trác là khu đất bazan rộng vài héc ta nằm thoai thoải theo triền núi. Những cây đào được ông trồng vào cuối năm 1997, gần như cùng lúc với “thung lũng hoa đào” nức tiếng Tây nguyên của nghệ nhân Mười Lời (Bùi Văn Lời). Ông kể ngày đó, ông cũng chỉ biết cây đào qua sách báo, truyền hình chứ đâu nghĩ tới chuyện trồng được cả vườn như bây giờ. Tình cờ ông có chuyến đi Đà Lạt, gặp ông bạn già Mười Lời, người chuyên nghiên cứu, tháp ghép cây trồng, hoa cảnh. “Thấy vườn đào mới trồng của ảnh phát triển tốt, mà thời tiết ở Đà Lạt cũng giông giống núi Cấm nên tui ngỏ lời xin về trồng thử”, ông Bảy Trác nói.
Để cây đào Nhật Tân thích nghi với đất trên núi Cấm vô cùng vất vả. Ông Bảy Trác còn nhớ như in: “Ban đầu, tui đem mấy gốc đào về trồng nhưng cây phát triển khá èo uột, chỉ non tháng chết gần hết. Vậy là tự tay anh Mười Lời mang gốc đào núi tự nhiên của Đà Lạt cùng những mầm đào Nhật Tân chính gốc về tháp ghép ngay trên khu vườn nhà tui”.
Món quà ý nghĩa
Cây hoa đào bắt đầu phát triển tươi tốt nhưng lại gặp vấn đề là ngày tết đã về mà cây chỉ có cành với lá, dù ông đã làm theo những kỹ thuật được nghệ nhân Mười Lời áp dụng với vườn hoa trên Đà Lạt. Ông kể: “Lúc đầu, tui xử lý cắt da quanh gốc để thúc ép cây không ra lá non. Trước tết chừng tháng rưỡi thì lặt lá, tỉa cành. Phân bón vi lượng cho cây cũng được nhập từ nước ngoài về. Tuy nhiên, đã làm đủ cách nhưng chẳng hiểu sao đào vẫn chưa chịu ra hoa”. Sau khi tham khảo sách báo, băng đĩa, lên mạng tìm hiểu, ông mới biết việc thúc nước cho cây đào ra hoa rất quan trọng; trong khi khâu này ông không trực tiếp làm mà để người làm thuê tưới giúp. Năm sau, ông quyết định sắp xếp công việc nhà để có thời gian tự chăm sóc vườn đào.
|
Mùa xuân năm 2000, vườn đào của ông ra những cánh hoa đầu tiên. “Cảm giác khó tả lắm, khi những nụ đào bắt đầu chớm nở, tui mất ăn mất ngủ mấy ngày liền. Mừng vì những tháng ngày cực khổ chăm bón đã thành công, cây đào thật sự bén rễ, ra hoa trên khu vườn nhà mình”, ông Bảy Trác tâm sự. Những cành hoa đầu tiên ấy được ông nâng niu, đem biếu bạn bè thân thiết nhất.
Hơn 10 năm qua, vườn đào Nhật Tân của ông đã bám chặt rễ, vươn mình xanh tốt trong tiết trời phương Nam. Giáp tết, những nụ đào chớm nở, báo hiệu mùa xuân mới lại về. Đứng ngắm cánh đào mỏng manh đang khoe sắc rực rỡ trong cơn gió chiều se lạnh, ông trải lòng: “Bây giờ, tôi chỉ ước mơ sẽ hình thành “vương quốc hoa đào” thứ hai ở miền Nam trên đỉnh núi Cấm như “thung lũng hoa đào” Đà Lạt. Nếu thành công, đó cũng là món quà ý nghĩa tôi gửi tặng anh Mười Lời nơi chín suối”.
Nguyễn Huỳnh
>> TP Hà Nội tặng TP.HCM hai cây đào Nhật Tân
>> Đến Hạ Long ngắm hoa đào
>> TP.HCM rực rỡ hoa đào
>> Hoa đào chữa bệnh
Bình luận (0)