Phát biểu tại đây, với tư cách nhà nghiên cứu độc lập về khoa học giáo dục và truyền thông khoa học, tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại đã có cái nhìn khá “ngược” so với phản biện xã hội trước đó về dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐ sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030” của Bộ GD-ĐT.
Theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại: “Nói rằng Việt Nam đã có quá nhiều tiến sĩ so với nhu cầu thực tế là hoàn toàn thiếu cơ sở. Muốn đánh giá số lượng nhiều hay ít không thể chỉ nhìn vào những con số tuyệt đối bao nhiêu người mỗi ngày hay 1 năm mà phải dựa trên tổng thể quy mô nền giáo dục quốc gia”.
Ông Đại dẫn dắt, thống kê của bộ cho thấy số lượng trường ĐH và số lượng sinh viên tăng rất nhanh nhưng số giảng viên ĐH, đặc biệt là người có trình độ tiến sĩ tăng chậm. Điều này dẫn đến tỷ lệ sinh viên/ giảng viên có trình độ tiến sĩ không những tăng chậm mà còn có xu hướng giảm. “Con số Bộ GD- ĐT đặt ra đào tạo 9.000 tiến sĩ trong 8 năm không quá lớn, không đáng kể và không quá kinh khủng”, ông Đại nhấn mạnh.
Khẳng định nhận định trên, tiến sĩ Đại còn so sánh: “Tăng cường đầu tư cho đào tạo tiến sĩ là xu hướng chung của thế giới. Trường ĐH Lyon (Pháp) một năm đào tạo tới 5.300 nghiên cứu sinh, số tiến sĩ tốt nghiệp khoảng 1.000 người”.
Không chỉ số lượng người học, nhà nghiên cứu này còn phản bác thông tin dư luận trong thời gian qua cho rằng ngân sách đào tạo dành cho đề án là quá cao và lãng phí. Theo ông Đại, tổng kinh phí dự kiến là 12.000 tỉ đồng chia cho 9.000 tiến sĩ, bình quân mỗi suất đầu tư 1,3 tỉ đồng là hoàn toàn chấp nhận được.
Ông Đại nói: “Hầu hết ý kiến phản biện tập trung vào nguồn kinh phí này với điểm chung là không nên dùng ngân sách nhà nước để đào tạo tiến sĩ mà nên ưu tiên cho việc tăng cường chế độ lương bổng, đãi ngộ và cải thiện điều kiện làm việc với giảng viên ĐH, nhất là người có trình độ tiến sĩ. Nhưng ở một góc khác tôi cho rằng, nếu cứ nhập nhằng giữa 2 khâu đào tạo và sử dụng sau đào tạo sẽ không bao giờ tìm ra được lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH và nghiên cứu của Việt Nam”.
Theo ông Đại, số lượng tiến sĩ và kinh phí đầu tư mà dự thảo đề án đặt ra là hợp lý. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ cách triển khai như thế nào.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐ sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030” . Mục tiêu đề án là đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 35% (thêm 9.000 người) trong tổng số giảng viên trường ĐH ở giai đoạn này. Trong đó có khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài, 500 tiến sĩ theo hình thức phối hợp giữa trường ĐH VN và nước ngoài, 2.000 tiến sĩ tại các trường đã được kiểm định ở VN và thu hút 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc ngoài trường ĐH đến làm việc tại các trường ĐH VN. Kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 12.000 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)