Đề xuất bán lẻ vào danh mục nghề quốc gia
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng cơ hội việc làm ngành bán lẻ ngày càng nhiều, nhất là trong những năm gần đây với sự gia nhập của các tập đoàn bán lẻ thời trang, các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích… Đây là cơ hội cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, theo ông Phú, ngành bán lẻ đang thiếu hụt nhân sự cao cấp từ trưởng, phó phòng trở lên, trong khi nhân lực bộ phận bán hàng, giao nhận hàng chưa chuyên nghiệp, không chỉ yếu về chuyên môn nghiệp vụ mà còn yếu về văn hóa ứng xử, giao tiếp. “Chỉ khoảng 4 - 5% được đào tạo bài bản, hơn 50% nhân lực chưa qua đào tạo, tâm lý bán hàng còn mang nặng tính ban phát, ngoại ngữ yếu... Đội ngũ bán hàng ít có tính ổn định, các siêu thị liên tục phải tuyển người thay thế. Hiện nay, ở VN chưa có trường nào có khoa bán lẻ, chỉ một số trường ĐH có giảng dạy marketing, trong đó lồng ghép nghiệp vụ thương mại. Sau khi ra trường, nhiều sinh viên thiếu thực tiễn, bỡ ngỡ nên các doanh nghiệp phải đào tạo lại”, ông Phú cho biết.
Trong bối cảnh bán lẻ bùng nổ, đặc biệt là bán hàng trực tuyến (online), ông Vũ Vinh Phú đề nghị cần có định danh nghề nghiệp, đưa nghề bán lẻ vào danh mục nghề và tiến tới mở các khoa đào tạo về thương mại hiện đại. “VN nên có một kế hoạch dài hơi 5 - 10 năm tới. Trong đó, quy hoạch ngành bán lẻ gắn với quy hoạch nhân lực. Và phải mời những chuyên gia bán lẻ tham gia vào tư vấn xây dựng chương trình đào tạo, nếu không tự đổi mới ngành bán lẻ VN sẽ ngày càng tụt hậu”, ông Phú nhấn mạnh.
Còn theo bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (doanh nghiệp (DN) sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart), hiện nay các DN bán lẻ chủ yếu vẫn tự đào tạo nhân viên sau khi tuyển dụng theo kiểu người cũ dạy cho người mới, không bài bản và thiếu chuyên nghiệp. “Về lâu dài làm theo kiểu này không ổn chút nào, DN bán lẻ VN khó cạnh tranh với các DN bán lẻ nước ngoài. Đã đến lúc chúng ta cần mở chuyên khoa đào tạo bán lẻ trong các trường ĐH - CĐ như ở nước ngoài”, bà Hậu kiến nghị.
Hiệp hội bán lẻ cần thành lập trung tâm đào tạo
Nhằm giải quyết bài toán nhân lực ngành bán lẻ, trước Tết Nguyên đán 2018, lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH đã làm việc với Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN để thiết kế chương trình thí điểm phối hợp đào tạo, cung ứng nhân lực cho một số DN bán lẻ hàng đầu của VN. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với Big C, tới đây có thể sẽ làm việc với các “ông lớn” trong ngành bán lẻ như: Vinmart, Co.opmart… Đây là những DN lớn có tầm nhìn chiến lược và rất coi trọng vấn đề nguồn nhân lực trong quá trình phát triển”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Quân cho biết, sau khi Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN đề xuất chuẩn nghề để Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành và đưa vào danh mục nghề quốc gia, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Công thương sẽ thống nhất để ban hành nghề đào tạo chính thức. “Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN xúc tiến hỗ trợ các thành viên của hiệp hội kết nối với các cơ sở đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp để tổ chức đào tạo nhân lực ngành bán lẻ. Bên cạnh đó, hiệp hội bán lẻ cần thành lập trung tâm đào tạo, trước mắt nếu khó khăn về cơ sở vật chất, hiệp hội có thể phối hợp với cơ sở đào tạo nằm trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp”, ông Quân nói.
Cạnh tranh gay gắt từ ứng viên nước ngoài
Báo cáo nhân sự ngành bán lẻ do Navigos Group (tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu VN) công bố cuối năm 2017 chỉ ra, 50% số nhà tuyển dụng bán lẻ tại VN đang có chính sách tuyển nhân sự cấp trung, cấp cao là người nước ngoài. Con số này khá trùng khớp với việc 46% ứng viên trong nước cho biết họ đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ ứng viên ngoại quốc. Trình độ là điểm khác biệt lớn nhất trong cuộc cạnh tranh trên. Điểm yếu thứ hai của ứng viên trong nước là thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử cho dù nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng trả lương cao hơn từ 10 - 30% cho những ai đáp ứng được tiêu chí này.
|
Bình luận (0)