Để có thể đào tạo theo nhu cầu xã hội (NCXH), theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, trước hết phải dự báo được nhu cầu về số lượng theo ngành nghề và trình độ đào tạo ở tất cả các cấp: quốc gia, vùng miền và từng địa phương. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, ở cấp quốc gia chưa có cơ quan nào đưa ra được thông tin đủ tin cậy về dự báo thị trường lao động và NCXH. Các trường vẫn đào tạo theo khả năng sẵn có của mình, hoặc đào tạo theo dự báo của trường. Tình trạng này gây ra hiện tượng thiếu thừa cục bộ về nguồn nhân lực, gây lãng phí không chỉ về nguồn lực nhà nước, tiền bạc của dân mà còn lãng phí về thời gian và cơ hội của người học.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, giáo dục nghề nghiệp còn gặp khó khăn do những bất cập trong dự báo cấp quốc gia về NCXH. Cụ thể là chưa có cơ quan thu thập thông tin, phân tích đánh giá và dự báo NCXH về số lượng lao động, cơ cấu trình độ và ngành nghề. Mặt khác, sự chồng chéo và trùng lặp trong đào tạo của hệ thống giáo dục cũng là một nguyên nhân của việc thiếu gắn kết giữa đào tạo và NCXH, giữa đào tạo ban đầu với đào tạo thường xuyên, giữa đào tạo nâng cao và chuyên sâu. Nhiều trường xây dựng chương trình đào tạo chưa dựa trên kết quả khảo sát thị trường lao động, chưa phân tích nhu cầu đào tạo và tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp; chưa chú trọng đến ý kiến của các nhà tuyển dụng và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đưa ra 10 nhóm giải pháp, trong đó có việc cần ưu tiên là sớm hình thành ban điều hành quốc gia triển khai đào tạo theo NCXH. Tổ chức này sẽ gồm có đại diện của Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh xã hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Bưu chính viễn thông, Bộ Công nghiệp, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam... sẽ sớm xây dựng một trung tâm dự báo NCXH cấp quốc gia, trước mắt ở những thành phố có nhu cầu lao động lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ... Ở cấp quốc gia và vùng miền, các cơ quan nên phối hợp để hình thành trang web tiếp nhận các thông tin về nhu cầu lao động, hình thành một thị trường lao động trên mạng.
Bộ trưởng cũng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đóng góp đội ngũ giảng viên cho các trường, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các trường ĐH, CĐ, TCCN để tạo ra được một lực lượng lao động có tay nghề tốt đi vào thị trường. Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường chủ động ký kết hợp tác với các doanh nghiệp có yêu cầu lao động phù hợp với ngành nghề đào tạo của trường. Ngay tại hội thảo đã có 17 bản thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Bộ GD-ĐT với Tổng cục Du lịch VN, Phòng Thương mại và công nghiệp VN, Công ty Intel Products Vietnam; giữa các trường với doanh nghiệp.
N.Q
Bình luận (0)