Đào tạo diễn viên - Báo động chất lượng

16/04/2012 09:10 GMT+7

Trước sự bùng nổ của phim truyền hình, cũng như sân khấu, nhu cầu cung ứng lượng diễn viên tham gia đóng phim, diễn kịch luôn không ngừng tăng lên. Từ thực tế đó, một số lớp đào tạo diễn viên đã được mở ra. Tuy nhiên…

Trước sự bùng nổ của phim truyền hình, cũng như sân khấu, nhu cầu cung ứng lượng diễn viên tham gia đóng phim, diễn kịch luôn không ngừng tăng lên. Từ thực tế đó, một số lớp đào tạo diễn viên đã được mở ra. Tuy nhiên…

Loay hoay lớp ngắn hạn

Những năm gần đây, những ai muốn tìm lớp đào tạo diễn viên để học và tìm cơ hội đóng phim, diễn kịch xem ra khá dễ dàng hơn trước rất nhiều. Ngoài những khóa đào tạo của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, Trường Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, còn có rất nhiều nơi chiêu sinh, mở lớp săn đón học viên.

Ngay cả các đơn vị sân khấu như Nhà hát Kịch TPHCM, Sân khấu kịch Superbowl, Trung tâm Đào tạo Lê Quý Dương, Đại Cồ Việt… và cả nghệ sĩ Minh Béo cũng tuyển sinh đào tạo, tạo nguồn diễn viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đào tạo diễn viên không dễ chút nào.

Sân khấu kịch Superbowl mới mở khóa đào tạo đầu tiên hơn 1 năm nay nhưng xem ra không mấy thuận lợi khi thầy cô được mời tham gia giảng dạy bận… chạy sô, lớp học phải tạm ngưng, chưa biết lúc nào sẽ học lại!?

Còn khóa đào tạo diễn viên của Nhà hát Kịch TPHCM cũng rơi vào tình trạng chẳng sáng sủa. Từ gần 20 học viên được tuyển chọn, sau thời gian học, đến nay, chỉ còn vài học viên theo học và đang có nguy cơ… “phá sản”.

Lớp đào tạo 3 tháng của diễn viên Minh Béo khởi xướng ở Nhà Văn hóa phường 1, quận 10 với các môn học: kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, hình thể, diễn xuất trước ống kính và hóa trang.

Tuy Minh Béo khá tự tin cho rằng một số học viên đã bắt đầu tham gia đóng phim, diễn vài vai nhỏ của kịch, nhưng với khóa học đơn giản, ngắn ngày như vậy, các học viên chưa được trang bị những kiến thức về âm nhạc, múa… liệu có đáp ứng được nhu cầu của các đoàn phim về sự đa năng của diễn viên? Minh Béo chia sẻ: “Các học viên chỉ học được 1/80 của khối lượng môn học mà các trường nghệ thuật giảng dạy, chứ trong một thời gian ngắn không thể học được hết nhiều môn học…”.

 

 
Lớp đào tạo diễn viên ngắn hạn ở Nhà Văn hóa phường 1, quận 10
của nghệ sĩ Minh Béo
 


Tăng thực hành, giảm lý thuyết

Trên thực tế, để trở thành một diễn viên có nghề đa phần đều phải trải qua những năm tháng học tập ở các trường đào tạo nghệ thuật. Đạo diễn Công Ninh, người có gần 20 năm gắn bó với công tác đào tạo diễn viên, cho biết: “Những lớp đào tạo ngắn ngày chủ yếu đáp ứng nhu cầu nhất thời và diễn viên cũng chỉ có thể diễn được một vài vai diễn phù hợp với mình. Còn nếu giao những vai diễn đòi hỏi phải biết phân tích nhân vật và có chiều sâu tâm lý thì không thể nào diễn xuất được...”. Có lẽ, vì vậy nhiều bạn trẻ muốn dấn thân theo nghề đã dự thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM.

TS-NGƯT Phan Thị Bích Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM cho biết, hàng năm, số lượng dự thi vào trường khoảng 1.500 thí sinh, đa phần đều chọn thi vào khoa diễn viên kịch - điện ảnh, nhưng trường chỉ tuyển khoảng 60 sinh viên. Và sau 2, 3 hoặc 4 năm đào tạo (tùy theo trung cấp, cao đẳng hay đại học), số lượng tốt nghiệp ra trường cũng chỉ khoảng 40 - 50 sinh viên. Tuy nhiên, từ chuyện đào tạo của nhà trường và nhu cầu thực tế hiện nay của công việc hãy còn lắm điều phải bàn tính.

Theo NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc, nguyên Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật sân khấu II (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM), hầu hết các tài liệu giảng dạy được sử dụng từ nguồn của các thầy cô học ở Liên Xô cũ cách nay đã mấy mươi năm rồi nên đòi hỏi phải có sự thay đổi, phải có những cập nhật mới, tư duy mới…

Còn TS-NGƯT Phan Thị Bích Hà cho rằng nhà trường sẽ giảm lý thuyết, tăng thực hành và các buổi giao lưu, nói chuyện chuyên đề cùng các nghệ sĩ, đạo diễn đang làm nghề và có nhiều năm kinh nghiệm để sinh viên được cọ xát thực tế, học hỏi được nhiều điều quý báu từ các thế hệ đi trước. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng đến công tác giao lưu quốc tế, hợp tác đào tạo với nước ngoài, thường xuyên mời các nghệ sĩ, thầy cô giáo, sinh viên một số trường nghệ thuật ở Pháp, Đức, Nhật Bản… sang Việt Nam.

Có thể nói, khi nhu cầu diễn viên càng tăng cao thì công tác đào tạo diễn viên càng đòi hỏi phải được rà soát, quan tâm nhiều hơn lúc nào hết. Bởi nếu cứ thoải mái mở lớp và ai cũng có thể “làm thầy” thì e rằng trong tương lai sẽ có hệ quả số lượng diễn viên nhiều nhưng chất lượng nghề yếu kém!

Theo Sài Gòn Giải Phóng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.