Đào tạo giáo viên theo hướng đa môn

26/01/2024 05:55 GMT+7

Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi đến giai đoạn cuối, khi năm học 2024 - 2025 áp dụng chương trình giáo dục mới đối với lớp 5, 9 và 12. Tuy nhiên, việc dạy học tích hợp nói chung và giảng dạy các môn học tích hợp vẫn là "điểm vướng, nghẽn, khó", như thông tin của Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Điều này đòi hỏi việc đào tạo giáo viên (GV) ở các trường đại học sư phạm cần đa dạng và linh hoạt hơn.

TƯ DUY ĐƠN MÔN CẢN TRỞ KHI ĐỔI MỚI GIÁO DỤC

Việc dạy học theo từng môn học riêng rẽ có ưu điểm là cung cấp cho người học một hệ thống kiến thức theo từng lĩnh vực môn cách hệ thống, logic, do đó việc giảng dạy của thầy cũng như học tập của trò thuận lợi hơn. Tuy nhiên, tổ chức chương trình giáo dục theo từng môn học riêng rẽ dẫn đến người học khó nhận biết được mối liên hệ giữa các lĩnh vực khoa học với nhau và khó khăn khi giải quyết các vấn đề đặt ra của cuộc sống - luôn đòi hỏi phải huy động nhiều kiến thức, kỹ năng của các lĩnh vực khác nhau.

Đào tạo giáo viên theo hướng đa môn- Ảnh 1.

Học sinh trong một giờ học môn khoa học tự nhiên

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo các chuyên gia giáo dục, trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2000, nhiều người đã đề xuất thiết kế một số môn học tích hợp như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội ở bậc trung học như nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến thực hiện, nhưng khi khảo sát ý kiến của trường học và GV, đa số đều phản đối.

Tư duy đơn môn còn ảnh hưởng đến đào tạo GV tích hợp, đa môn. Chẳng hạn, từ năm 2005, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên mở mã ngành đào tạo GV THCS trình độ ĐH chính quy 4 năm, gọi là ĐH hai môn. Nhưng đến năm 2011, hệ đào tạo này đã dừng tuyển sinh và đến năm 2014, Khoa Giáo dục THCS của trường này chính thức giải thể.

ĐÀO TẠO Ở TRƯỜNG SƯ PHẠM CẦN ĐA DẠNG, LINH HOẠT

Từ khi cả nước triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, việc tổ chức các môn học theo hướng tích hợp cao ở các lớp, cấp học thấp và phân hóa dần ở các lớp, cấp học cao. Ở cấp THCS có các môn tích hợp như khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp... Đồng thời, giáo dục STEM (tích hợp giữa khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) được đặt ra cho cả 3 cấp tiểu học, THCS và THPT.

Từ yêu cầu trên, việc đào tạo và bồi dưỡng GV của trường ĐH sư phạm theo hướng đa môn, tích hợp là rất cần thiết và cấp bách. Từ năm 2019, nhiều trường đã mở mã ngành đào tạo GV "khoa học tự nhiên", "lịch sử và địa lý", và bồi dưỡng giảng dạy khoa học tự nhiên cho GV đang giảng dạy vật lý, hóa học, sinh học; bồi dưỡng giảng dạy lịch sử và địa lý ở các trường THCS. Tuy nhiên, việc đào tạo và bồi dưỡng này còn chậm so với yêu cầu thực tế.

Việc đào tạo GV tích hợp và đa môn ở trường ĐH sư phạm không chỉ đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở các trường THCS và THPT có quy mô nhỏ đòi hỏi GV không chỉ dạy 1 môn mà phải dạy 2 đến 3 môn. Mặt khác, ở cấp THPT, việc học của học sinh sẽ có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc và tự chọn thêm 4 môn (trong các môn lý, hóa, sinh, tin học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật). Điều này dẫn đến GV một số môn như lý, hóa, sinh, công nghệ, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học sẽ ít học trò lựa chọn dẫn đến thừa. Những GV này phải dạy giáo dục địa phương hoặc tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, những chuyên môn mà họ không được đào tạo. Vì vậy, việc đào tạo GV ở trường ĐH sư phạm, ngoài 2 môn tích hợp ở cấp THCS, cần theo hướng ghép môn như lý - hóa, hóa - sinh, văn - GDCD, sử - địa, tin học - công nghệ… Trong đó, môn thứ nhất đào tạo chính, môn thứ hai, yêu cầu sinh viên học một số tín chỉ nhất định. Khi đó, trường ĐH sư phạm cấp chứng chỉ môn học thứ hai. Bộ GD-ĐT cho phép trường THPT bố trí GV dạy 2 môn nếu họ có chứng chỉ bồi dưỡng môn thứ hai do trường ĐH sư phạm cấp.

Đào tạo giáo viên theo hướng đa môn- Ảnh 2.

Sách giáo khoa môn vật lý-hóa học trước đây

NVCC

Nhà giáo Bùi Quang Hân, nguyên tổ trưởng chuyên lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cho biết ông tốt nghiệp ĐH sư phạm 1ý - hóa niên khóa 1962 - 1965 của Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn. Tốt nghiệp ra trường, ông giảng dạy 2 môn lý và hóa từ lớp 6 đến lớp 12. Năm 1981, ông được về giảng dạy môn hóa ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, sau đó chuyển qua giảng dạy môn lý và trở thành tổ trưởng bộ môn này.

Như vậy, việc đào tạo GV ở trường ĐH sư phạm cần thiết phải đa dạng, linh hoạt hơn, để không chỉ đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu dạy học của GV. Đào tạo GV theo hướng đa môn, tích hợp còn chuẩn bị cho tương lai, nếu giáo dục nước ta tiến tới xây dựng chương trình giáo dục tích hợp cao (như Phần Lan hiện nay): chương trình giáo dục không có môn học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.