Đào tạo liên/xuyên ngành đáp ứng xu hướng nghề nghiệp

25/05/2021 08:00 GMT+7

Đào tạo chuyên ngành có những lợi thế nhất định, nhưng trong kỷ nguyên nhân lực số với trí tuệ nhân tạo và vạn vật kết nối tự động, liên/xuyên ngành có những ưu thế nổi bật hơn.

Thực tiễn công việc mới yêu cầu người lao động tương lai cần biết rộng và hội tụ nhiều kỹ năng nhận biết, giải quyết vấn đề hơn chỉ là những kiến thức chuyên sâu và hẹp, vốn có thể được giải quyết bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Vì vậy, nhân lực cho thị trường lao động 4.0 cần nhiều hơn kiến thức chuyên ngành đơn lẻ, người học cần được trang bị kiến thức đa ngành, xuyên lĩnh vực, tư duy tích cực, kỹ năng tổng hợp...

Hiểu đúng và đủ về đào tạo liên/xuyên ngành

Đào tạo định hướng liên/xuyên ngành là đào tạo không chỉ mang tính liên kết giữa các phân ngành, nhóm ngành như: khoa học, giáo dục, văn hóa, xã hội mà còn có sự giao thoa giữa chúng để tạo ra các học phần mới.
Hay nói cách khác liên/xuyên ngành là những ngành nghề sẽ tích hợp kiến thức kỹ năng từ những ngành nghề khác nhau: Đào tạo liên/xuyên ngành đáp ứng tốt về mặt thời gian, khối kiến thức để tạo các chương trình đào tạo mới mà vẫn đảm bảo đủ kiến thức đại cương, cơ sở ngành và chuyên ngành.
Các chương trình đào tạo liên/xuyên ngành bên cạnh việc đáp ứng xu thế của yêu cầu thị trường lao động, còn giúp phát huy việc đào tạo theo tín chỉ, khả năng chủ động, làm chủ trong việc học của sinh viên.

Tiên phong trong chương trình đào tạo liên/xuyên ngành

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là trường có định hướng ứng dụng, đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu trong và ngoài nước, đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0, đạt chuẩn khu vực và quốc tế, do đó các chương trình đào tạo của trường luôn vận dụng các công nghệ chủ chốt vào quá trình đào tạo. Đây là một trong những bước đi mang tính chiến lược của trường trong việc phát triển một đơn vị đặc thù nhằm tối ưu khả năng sử dụng nguồn nhân lực trong việc phát triển các nhóm ngành: khoa học, công nghệ, dịch vụ...
Theo tiến sĩ Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: “Việc phát triển các chương trình đào tạo theo hướng liên/xuyên ngành nằm trong chiến lược đào tạo giai đoạn 2020 - 2025 của nhà trường, không chỉ phục vụ theo nhu cầu của xã hội mà còn tạo điều kiện cho sinh viên chọn lựa ngành học phù hợp với năng lực và sở thích, tăng cơ hội chọn lựa việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Trong các năm học tiếp theo, nhà trường sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển tiếp các chương trình đào tạo theo hướng liên/xuyên ngành dựa trên nền tảng đào tạo đa ngành của trường, cũng như tăng cường liên thông dọc theo các trình độ trong trường hay liên thông ngang với các trường đại học trong khu vực và quốc tế”.
Năm 2021, với mục tiêu xây dựng chương trình đào tạo theo hướng liên thông đa chiều, xuyên ngành song ngành, Trường đại học Nguyễn Tất Thành đã tiến hành đào tạo 5 ngành: du lịch số, kinh tế số, công nghệ tài chính, tin sinh học, quản trị công nghệ sinh học. Ưu điểm của chương trình đào tạo liên/xuyên ngành là tổ hợp xét tuyển được mở rộng, kết hợp đa dạng khối ngành lựa chọn, phương thức tuyển sinh phù hợp với nguyện vọng thí sinh đăng ký dự tuyển.
Khung chương trình được thiết kế đảm bảo được khối lượng kiến thức cung cấp cho người học. Ngoài ra, chương trình đào tạo này còn giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí đào tạo, sau
4 - 5 năm sinh viên cùng lúc có hai bằng đại học hoặc một bằng đại học được tích hợp các kiến thức có tính liên ngành, liên lĩnh vực; từ đó giúp sinh viên ra trường mở rộng cơ hội nghề nghiệp và phát triển tương lai.
Để đáp ứng được yêu cầu dạy và học chương trình đào tạo liên/xuyên ngành, Trường đại học Nguyễn Tất Thành thực hiện hợp tác với các hãng công nghệ hàng đầu thế giới để xây dựng các mạng lưới các phòng thực nghiệm, thí nghiệm 4.0 ứng dụng các công nghệ chủ chốt phục vụ thực hành, thực nghiệm, thí nghiệm; Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và giảng dạy sáng tạo; Nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền thông và phần mềm phục vụ cơ chế quản lý thông minh; Xây dựng học liệu số, triển khai học trực tuyến, học tương tác, học tích hợp công nghệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.