Đào tạo mỹ thuật ứng dụng tại VN còn nhiều hạn chế

25/06/2016 16:00 GMT+7

Sáng 25.6, Hiệp hội thiết kế mẫu và sáng tạo mỹ thuật VN, Hội Mỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc 'Đổi mới đào tạo mỹ thuật ứng dụng ở VN'.

Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia về mỹ thuật ứng dụng của nhiều trường đại học trong và ngoài nước.
Mỹ thuật ứng dụng bao gồm các lĩnh vực thiết kế đồ họa, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, thiết kế trang trí nội ngoại thất, thiết kế truyền thống, thiết kế thời trang… đã được các chuyên gia mổ xẻ từ vấn đề đào tạo đến sản xuất, sử dụng lao động…
Tại hội thảo, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhìn nhận: “Mỹ thuật ứng dụng của VN tham gia vào thị trường thế giới với tư cách là người lắp ráp, làm thuê chứ chưa sáng tạo, sản xuất ra bất kỳ máy móc, sản phẩm nào. Suốt thế kỷ 20, nước ta hầu như không có nhà thiết kế chuyên nghiệp, mà chỉ có các họa sĩ tham gia làm thiết kế đồ họa, người bấm máy tính trong sự chỉ bảo của ông chủ sản xuất”. Ông Marc Pechart, Quản lý học vụ Viện thiết kế ADS, người từng có 16 năm làm trong lĩnh vực thiết kế ở VN cũng cho rằng, mỹ thuật ứng dụng ở VN còn thiếu vắng bản sắc.
Nói về thực trạng đào tạo các ngành mỹ thuật ứng dụng tại VN, ông Riccardo Francesch, đại diện Trường ĐH Thiết kế LABA (Ý) cho rằng: “Việc giáo dục và đào tạo các nhà thiết kế hiện tại rất mang tính thực dụng hơn là sáng tạo. Thường sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành kỹ thuật viên hơn là nhà thiết kế. Họ biết cách sử dụng thành thạo các phần mêm 2D, 3D nhưng chưa biết cách phát triển ý tưởng trên cơ sở là một nhà thiết kế.
Các sản phẩm tạo ra thiếu tính chất nội dung thuần Việt. Bên cạnh việc nắm bắt và sử dụng các kỹ thuật, nhà thiết kế còn phải mang cái hồn và văn hoá vào từng sản phẩm. Bên cạnh đó, các học trình về nghệ thuật, lịch sử nghệ thuật, lịch sử kiến trúc không có nhiều trong chương trình học. Nếu một sinh viên mà không biết về lịch sự nghệ thuật phổ biến, lịch sử cách mạng hiện đại… thì sao sinh viên đó có thể trở thành một nhà thiết kế giỏi”.
Trong khi đó, tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú, Ủy viên Ban Lý luận Phê bình thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, thông tin: “Với khoảng 20 đơn vị đào tạo về mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng, thiết kế trên cả nước, sự đào tạo ồ ạt nguồn nhân lực thiết kế ở VN trong những năm qua đã tạo được nguồn lực đáng kể góp phần thúc đẩy sự phát triển thiết kế ở VN. Tuy nhiên, không ít sinh viên ra trường không kiếm được việc làm. Số khác theo nghề không bền lâu, chủ động bỏ nghê, chuyển nghề vì thu nhập thấp hoặc nhiều lý do khác...”.
Từ đó, ông Tú nhận định, cần nhận thức lại quan niệm về mục tiêu đào tạo, chất lượng đầu ra và nhu cầu sử dụng nhân lực những ngành này. Quan trọng nhất là cần đào tạo ra những họa sĩ sáng tạo, nhà thiết kế có năng lực dẫn dắt, tham vấn…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.