Đào tạo nghề vẫn đối mặt nhiều thách thức

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
11/09/2023 06:35 GMT+7

Sáng 10.9, HĐND TP.HCM tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.

Một số ý kiến tại chương trình nêu lên thách thức của thị trường lao động hiện nay là cơ cấu lao động còn lạc hậu, trình độ thấp, thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng thay đổi của công nghệ hiện đại. Vì vậy, việc đào tạo nghề là một trong những chính sách rất quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT, thông tin TP.HCM hiện có 376 trường CĐ, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Dù các trường rất chú trọng mở rộng quy mô và chất lượng, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, nhất là do tồn tại nhận thức của học sinh, gia đình về giáo dục nghề nghiệp là "con đường của người yếu kém". Ngoài ra, chưa có chính sách tuyển sinh ĐH hướng đến học sinh, học viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để các em có thể phát triển nghề nghiệp. Nhiều đại diện của các trường dạy nghề cho hay họ đang gặp khó khăn về đầu tư thiết bị, mở rộng quy mô. Đồng thời, mong muốn nhận sự hỗ trợ từ phía nhà nước và doanh nghiệp trong tuyển dụng, học phí cho học sinh, sinh viên khó khăn…

Liên quan tình hình rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, ngừng sản xuất, người lao động giảm giờ làm, mất việc, ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, cho hay thống kê giai đoạn từ năm 2020 - 2022, trung bình mỗi năm, TP.HCM có hơn 110.000 người rút BHXH một lần (tính cả nước, số liệu trung bình mỗi năm rút BHXH một lần trong giai đoạn này khoảng 900.000 người - PV). Ngoài ra, còn có tình trạng người lao động "bán non" sổ BHXH với giá trị chỉ bằng 50 - 60% số tiền mà cơ quan BHXH sẽ chi trả.

Theo ông Hà, để giải quyết căn cơ cho tình trạng rút BHXH một lần, cần thực hiện đồng bộ nhiều yếu tố như sửa đổi quy định pháp luật về BHXH, chính sách tiền lương, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.