Sinh ra trong một gia đình nhà nông với 6 anh chị em, Phạm Thị Ngọc Huyền (Tiền Giang) không có cơ hội học tập như các bạn đồng trang lứa. Huyền chuyển đến TP.HCM sống từ 5 - 6 năm trước, trải qua nhiều công việc để kiếm sống. Một lần tình cờ có người bạn chia sẻ thông tin về dự án dạy nghề làm tóc miễn phí tại Trường CĐ nghề TP.HCM, Huyền đã mạnh dạn đăng ký học. Sau khi tốt nghiệp, Huyền mở tiệm tóc nhỏ ở Q.Thủ Đức.
Trong khi đó, Đặng Mỹ Linh (22 tuổi) quê ở Đắk Lắk có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Ba của Linh trong lúc làm phụ hồ không may bị một giàn giáo ngã xuống đè dập chân không còn đi lại được từ 10 năm nay. Gánh nặng gia đình đè nặng lên vai mẹ. Nhưng đến khi Linh 15 tuổi thì trong một ngày đi làm phụ quán ăn, mẹ Linh cũng qua đời vì kiệt sức. Ba anh em Linh phải bươn chải đủ nghề để kiếm tiền lo cho ba và nuôi nhau. Rồi Linh được một người quen giới thiệu đi học nghề tóc miễn phí ở TP.HCM và trở thành thợ tóc sau 5 tháng học tập.
tin liên quan
'Mở đường' cho hàng ngàn phụ nữ bất hạnh trở về với đờiNguyễn Thị Liễu (ngụ đường Đoàn Văn Bơ, Q.4, TP.HCM) sau khi học xong nghề tóc hiện đang làm chủ một tiệm nhỏ ở tại nhà. Trước đây, Liễu bán kẹp tóc ở vỉa hè chợ Xóm Chiếu để nuôi người em trai út bị bệnh tâm thần. Chị Liễu kể: “Ngày xưa bán kẹp tóc mỗi ngày được 60.000 - 100.000 đồng, không đủ trang trải phải đi mượn người ta, mượn 100.000 trả thành 120.000. Nay có cái nghề, cứ tích cóp dần, mua sắm thêm thiết bị, rồi thành tiệm lúc nào không hay. Mình làm tóc cho khách, thấy khách đẹp ra, hài lòng, mình vui lắm. Bản thân mình cũng biết tự làm đẹp cho mình nữa, đâu còn cảnh đầu bù tóc rối, vừa xách đồ vừa chạy vì bị người ta đuổi không cho bán như ngày xưa”. Thu nhập ổn định giúp chị Liễu lo được cho bản thân và gia đình. Đồng thời, chị đã tìm được hạnh phúc riêng và sắp tổ chức đám cưới trong năm nay.
Đây chỉ là vài trong số 1.500 phụ nữ đã tìm thấy được công việc và niềm vui trong cuộc sống thông qua dự án thực hiện ở Hà Nội, TP.HCM, Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Quảng Bình và Bà Rịa-Vũng Tàu từ năm 2009 đến nay. Dự án này hướng đến mục tiêu trao cho phụ nữ quyền làm chủ cuộc đời mình và thoát hẳn tình trạng phụ thuộc bằng cách tự chủ về kinh tế.
Bình luận (0)