Đào tạo theo tín chỉ còn nhiều bất cập

14/12/2012 20:25 GMT+7

(TNO) Sáng 14.12, Hội thảo khoa học toàn quốc về việc đổi mới, kiểm tra đánh giá đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ đã được tổ chức tại ĐH Sài Gòn thu hút 70 bài tham luận của các nhà quản lý đến từ các trường ĐH trên toàn quốc.

>> Sửa đổi quy chế đào tạo tín chỉ

Được biết, học chế tín chỉ được áp dụng đầu tiên tại ĐH Bách khoa TP.HCM năm 1993, đến nay đã có 60% trường ĐH, 30% trường CĐ đang thực hiện hình thức đào tạo này.

Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, đào tạo tín chỉ ở Việt Nam hiện chưa thực sự đúng với tinh thần của tín chỉ.

“Cách dạy, học vẫn còn chưa thoát khỏi tinh thần niên chế. Tính chủ động của sinh viên còn yếu kém”, PGS-TS Nguyễn Viết Ngoạn, Hiệu trưởng ĐH Sài Gòn nói.

Còn theo PGS-TS Lê Ngọc Trà, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: “Các trường ĐH ở nước ngoài luôn có giảng viên chính và trợ giảng. Ở ta ai cũng lên lớp như nhau, từ giáo sư cho tới giảng viên mới. Một lớp học có 300 sinh viên mà chỉ một ông giáo sư thì cũng không cách gì kiểm tra, đánh giá chính xác từng sinh viên được. Đúng ra nếu có trợ giảng thì việc này sẽ đơn giản hơn”.

Không chỉ vậy, cách tổ chức kiểm tra đánh giá, xếp loại của mỗi trường cũng có nhiều điểm khác nhau.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định: “Điều 22 của quy chế 43 đã quy định đánh giá sinh viên trên thang điểm 10, làm tròn đến chữ số thập phân, nhưng hiện nay mỗi trường làm một kiểu. Có trường tính thang điểm 4, có trường thang điểm 100, có trường thang điểm 10 nhưng lại có trường dùng xếp loại theo A, B, C, D, rồi cách làm tròn cũng khác nhau, gây thiệt thòi cho một số sinh viên”.

Chẳng hạn theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, tại ĐH Sài Gòn và ĐH Y Dược TP.HCM chỉ làm tròn thành số nguyên. Ví dụ sinh viên được 7,5 sẽ làm tròn thành 8, sinh viên đạt 8,4 cũng làm tròn thành… 8.

Trong khi đó, nói về giải pháp để đánh giá chính xác sinh viên, TS Phạm Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, nhà trường phải chuyên nghiệp hóa việc ra đề thi,  không nên ra 2 đề chọn 1 mà cần có nhiều câu hỏi, đa dạng hóa đề thi (viết, thuyết trình, bài tập).

“Và để chất lượng đào tạo tín chỉ tăng lên, giảng viên cần có phương pháp giảng dạy tốt, tổ chức học nhóm, thúc đẩy khả năng sử dụng thông tin từ internet cho sinh viên, kích thích tư duy độc lập, sáng tạo”, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (ĐH Bách khoa TP.HCM) nói.

Còn về phía sinh viên, TS Phạm Xuân Thanh cho rằng, cần phải có kiến thức rộng, sâu, khả năng tự học, tự nghiên cứu và làm việc độc lập, có các kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp…

Mỹ Quyên

>> ĐH quốc tế Hồng Bàng đào tạo liên thông không đúng quy định
>> Siết chặt đầu vào đào tạo thạc sĩ
>> Đào tạo tiếng Anh trực tuyến
>> Cho phép đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.