Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu gồm các chuyên gia nghệ thuật, nhà quản lý, nghiện cứu, các nghệ sĩ, giảng viên đến từ các học viện, trường ĐH, CĐ đào tạo về văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao trên toàn quốc.
Trong số 64 tham luận được trình bày tại hội thảo, các chuyên gia đã nêu lên thực trạng đào tạo và hoạt động của các lĩnh vực này tại VN và đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm giảm bớt khoảng cách giữa nghệ thuật, du lịch và thể thao nước nhà với khu vực và thế giới.
Trong lĩnh vực âm nhạc, PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Nhạc viện TP.HCM) cho biết: “Người đăng ký dự tuyển ở một số ngành nghề âm nhạc không nhiều, khó chọn được những em có năng khiếu vào học. Thêm nữa, ngành âm nhạc hàn lâm không đảm bảo đời sống cho các nghệ sĩ cũng là một lý do để số lượng đủ để đào tạo không đủ và chất lượng đầu vào yếu”.
Theo tiến sĩ Mỹ Liêm, VN vẫn chưa có những cập nhật kịp thời trước những thay đổi của âm nhạc thế giới. Đã đến lúc cần tính toán lại nội dung của chương trình - giáo trình nếu không muốn bị lạc hậu. “Nếu chúng ta không liên tục cập nhật, bổ sung, nghiên cứu phương pháp và kể cả những chính sách mang tính giải pháp, hình thức tổ chức đào tạo mới… sẽ khó có thể đào tạo được đội ngũ chất lượng cao mang tầm khu vực hay thế giới như trước đây”, tiến sĩ Liêm nhìn nhận.
Về đội ngũ giảng viên, thạc sĩ Mai Thị Thùy Hương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhìn nhận: “Hiện nay trong các trường đại học ngành nghệ thuật, số giảng viên có học vị, học hàm còn ít. Tỷ lệ giảng viên, giáo viên có trình độ đại học thạc sĩ trở lên chiếm 26,49%, trong đó tiến sĩ và tiến sĩ khoa học chiếm 4,6%. Tại các trường ĐH lớn như Học viện Âm nhạc quốc gia VN có 7 giáo sư, 4 phó giáo sư, 13 phó giáo sư - tiến sĩ, 2 tiến sĩ khoa học, 25 tiến sĩ. Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội có 5 phó giáo sư, 7 tiến sĩ, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam có 3 phó giáo sư, 5 tiến sĩ… Ở các cơ sở đào tạo khác mỗi trường chỉ có vài ba người có trình độ tiến sĩ, có những trường ĐH, CĐ không có giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ”.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉ lệ số giảng viên được đào tạo ở trình độ tiến sĩ so với tổng số các nhà giáo của nhóm ngành âm nhạc chỉ chiếm 9,6%, nhóm ngành mỹ thuật là 1,77% và nhóm ngành sân khấu, điện ảnh là 2,6%. Thực trạng trên đặt ra những thách thức không nhỏ cho đội ngũ giảng viên đại học ngành nghệ thuật trong quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế.
Ngoài ra, tại hội thảo, các chuyên gia cũng thảo luận và triển khai 6 tiêu chuẩn nghề ASEAN trong lĩnh vực du lịch cho các cơ sở đào tạo du lịch trên toàn quốc.
Bình luận (0)