Theo ông Thiện, đoạn tường thành này có chiều dài hơn 172 m, bị tháo dỡ vì “không nguyên gốc”, thuộc hạng mục công trình tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải giai đoạn 1.
Trước đó, giai đoạn 2004 - 2006, chính Bảo tàng Đà Nẵng đã xây lại đoạn tường này (do sụt lở), cách tường hào cũ khoảng hơn 10 m, khác biệt so với di tích nguyên gốc (về chất liệu, kích thước gạch, vữa xây), nằm trong kế hoạch tổng thể tôn tạo di tích thành Điện Hải và các hạng mục liên quan nhằm phục vụ khách tham quan, du lịch do UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt ngày 10.11.2004. Cũng theo ông Thiện, trong dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải giai đoạn 1 (đang triển khai), Bảo tàng Đà Nẵng đặt ra yêu cầu phục dựng hình dáng tòa thành cũ, được các đơn vị tư vấn khảo sát, tư vấn thiết kế dày công sưu tầm tư liệu, khảo sát. Vì vậy, phải tháo dỡ hơn 172 m tường “không nguyên gốc” để phục hồi phần kè, hào phía bắc.
Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống kỹ thuật, cấp thoát và giữ nước cho hệ thống hào xung quanh thành Điện Hải cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều, khiến Sở VH-TT phản hồi rõ quy trình thi công “để giúp người dân an tâm”. Theo đó, trong quy mô dự án đã tính đến phương án cấp và giữ nước cho lòng hào trước tình trạng lòng hào thường khô cạn do bị thẩm thấu nước. Đơn vị thiết kế đưa ra phương án đục tỉa lớp gạch phía dưới đáy hào, đục phần bê tông đáy hào để đổ bê tông đáy, tường bê tông… đảm bảo các nguyên tắc trong tu bổ di tích. Về chất liệu và kích cỡ gạch, Sở VH-TT khẳng định đảm bảo đúng quy chuẩn theo tỷ lệ 1/1 của gạch cũ xây thành và gạch được đặt làm thủ công tại Bình Định. Sau khi hoàn thành, lòng hào sẽ luôn giữ được mực nước 60 cm và thả hoa súng tạo mỹ quan.
Bình luận (0)