|
Hoang vắng và đổ nát
Khu du lịch (KDL) sinh thái của Công ty cổ phần thương mại - du lịch (CP TM-DL) Bản Đôn nằm giữa vùng đồi núi hoang dã cách không xa trung tâm xã Krông Na, H.Buôn Đôn. Hai tháng nay, KDL này đóng cửa, không đón khách, cảnh hoang vắng bao trùm các công trình trải rộng trên diện tích vài chục hécta. Đường vào KDL nhiều đoạn lở lói, hư hỏng; không khó nhận ra ở nhiều khu nhà nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí bị cây dại um tùm bao phủ, xuống cấp do thiếu chăm sóc, bảo quản. Ở khu nhà sàn bungalow theo kiểu sinh thái, hầu hết mái tranh bị mục nát, một số nhà bị đổ sập tường, nhiều bàn ghế, trang thiết bị nằm chỏng chơ trên mặt đất, bị mối gặm nát…
Anh Y Danh, nhân viên bảo vệ KDL, cho biết một số phòng nghỉ bị trộm vào “khoắng” nhiều thiết bị như máy nước nóng phòng tắm, quạt… “Ngày nào tôi cũng đảo quanh, kiểm tra các phòng xem có mất mát gì thêm. Khu này quá rộng, lại gần rừng, lựa lúc vắng người canh giữ, trộm có thể đột nhập lấy đi bất cứ thứ gì chúng muốn”, anh Y Danh nói. Y Danh cũng cho biết anh vào làm bảo vệ từ năm 2007, nhưng hai năm nay KDL làm ăn thất bát khiến nhiều tháng anh không có lương, phải tranh thủ nhặt thêm phân bò, hái măng trong rừng để có thu nhập...
Ông Ama Phương, nguyên giám đốc Công ty CP TM-DL Bản Đôn, kể khổ: “Tôi là cán bộ nghỉ hưu, được mời làm giám đốc trong 8 tháng (từ tháng 1-8.2014) trong tình cảnh KDL hoạt động rất khó khăn do ít khách, thu không đủ chi, có khi phải ứng tiền túi ra trả tiền điện cho KDL. Bản thân tôi chỉ được nhận lương 3 tháng, những tháng còn lại làm “cho vui”.
Mặc dù cổng KDL treo biển tên Công ty CP TM-DL Bản Đôn nhưng ban giám đốc DN này không làm việc tại đây. Anh Triệu Văn Tứ, một trong 5 nhân viên Công ty Bảo vệ Hạnh Thanh Long được thuê thêm để trông coi KDL, cho biết từ ngày 18.9, công ty chỉ để lại một đầu bếp nấu cơm cho anh em trực bảo vệ hàng ngày; còn lại phần lớn lao động đã nghỉ việc hoặc đi đâu không rõ.
|
“Quả đắng” đầu tư ngoài ngành
Cách đây 10 năm, KDL sinh thái Bản Đôn được DNNN ngành cao su là Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk (Dakruco) tiếp nhận từ Sở Thương mại - du lịch Đắk Lắk để đầu tư, kinh doanh. Năm 2008, Dakruco lập thêm dự án xây dựng Đồi tâm linh trong KDL, được Công ty TNHH Huỳnh Phước bỏ vốn đầu tư thực hiện. Cuối năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá giá trị thực tế KDL này là gần 87,6 tỉ đồng, trong đó giá trị do Dakruco và các công trình nhà nước đầu tư trước đó gần 67,6 tỉ đồng. Đầu năm 2012, KDL sinh thái Bản Đôn được Dakruco lập dự án chuyển đổi thành Công ty CP TM-DL Bản Đôn gồm 7 cổ đông sáng lập, với vốn điều lệ 112 tỉ đồng; trong đó, Dakruco góp 45 tỉ đồng (chiếm 40,18%).
Tuy nhiên, từ khi bắt đầu hoạt động đến nay, KDL này làm ăn lỗ lã triền miên, phần vốn của Dakruco đổ vào đây bị mất dần. Theo Sở Tài chính Đắk Lắk, trước năm 2012, KDL đã khiến Dakruco lỗ qua các năm tổng cộng 45 tỉ đồng. Từ thời điểm thành lập Công ty CP TM-DL Bản Đôn (12.3.2012) đến cuối năm 2013, KDL lỗ tiếp 26 tỉ đồng. Vốn góp của Dakruco tại công ty CP chỉ còn 30 tỉ đồng, các thành viên khác cũng mất vốn theo tỉ lệ góp do bù lỗ…
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tấn Thành, Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp Sở Tài chính Đắk Lắk, cho rằng việc đầu tư ngoài ngành của Dakruco tại KDL sinh thái Bản Đôn chứng tỏ không có hiệu quả kinh tế, thua lỗ kéo dài, phải xử lý bù lỗ bằng hoạt động chính là sản xuất, kinh doanh cao su. “Hiện chúng tôi đang xây dựng phương án trình UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý bán lại phần vốn nhà nước tại Công ty CP TM-DL Bản Đôn để thu hồi vốn”, ông Thành cho biết.
Trung Chuyên
Bình luận (0)