Ngày 15.6, bác sĩ CKI Phan Tuấn Trọng (Khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM), cho biết người bệnh nhập viện trong tình trạng vết thương lở loét, sốt cao, khó thở… Bác sĩ chỉ định truyền dịch, dùng thuốc hạ sốt, cho thở oxy. Đồng thời, người bệnh được chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm tim, phổi.
Kết quả ghi nhận bà H. bị nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng. Định lượng HbA1C (xét nghiệm phản ánh tình trạng glucose) là 10,38% cho thấy đường huyết không được kiểm soát tốt trong vòng 3 tháng nay. Đây là nguyên nhân khiến vết mụn nhọt của bệnh nhân bị lở loét, gây nhiễm trùng máu, mắc lao phổi và rơi vào viêm phổi nặng.
Sau cấp cứu, bệnh nhân được điều trị lao phổi song song với truyền insuline điều chỉnh đường huyết.
Vết mụn nhọt ở bàn chân bà H. lan rộng, gây nhiễm trùng huyết |
bvcc |
Không biết bản thân bị tiểu đường, tự chữa mụn nhọt bằng lá trầu
Qua khai thác bệnh sử được biết, khoảng 2 tháng trước, mu bàn chân bà H. xuất hiện vết mụn nhọt. Bà liên tục nặn mủ và rửa mụn nhọt bằng nước lá trầu, đắp các loại lá dân gian nhưng vẫn không khỏi, vết thương mỗi ngày lan ra khiến bà bị sốt cao, khó thở,… Sau khi khám ở nhiều nơi, thấy tình trạng sốt, khó thở mỗi ngày một tăng, bà được đưa đến khoa Cấp cứu của bệnh viện trên.
Khi nghe bác sĩ thông báo mắc bệnh tiểu đường, bà H. và gia đình rất ngạc nhiên. Bà cho biết, mình sống ở vùng rừng núi, trước giờ tay chân có mụn nhọt, trầy xước đều tự vệ sinh, sát trùng vết thương bằng lá trầu và các loại cây thuốc dân gian. Nhưng suốt 2 tháng qua, mặc dù có làm mọi cách, vết thương vẫn không lành mà mỗi ngày lan rộng hơn. Bà bị sụt đến 10 kg nhưng nghĩ do dùng thực phẩm giảm cân, cùng với đó là khó thở, cơ thể suy kiệt.
Đắp lá cây lên vết thương sẽ làm tăng nhiễm trùng
Bác sĩ CKI Võ Trần Nguyên Duy (Khoa Nội tiết, BVĐK Tâm Anh TP.HCM) cho biết, ở người bệnh đái tháo đường, khi nồng độ đường huyết cao là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi. Chỉ cần người bệnh bị mụn nhọt hay vết trầy xước nhỏ cũng rất lâu lành, dễ nhiễm trùng máu nếu không được điều chỉnh đường huyết.
Bệnh nhân đái tháo đường còn thường bị rối loạn thần kinh cảm giác nên khi vết thương lở loét hay bị vật nhọn đâm vào cũng không thấy đau đớn khiến tổn thương nặng hơn, gây nhiễm trùng huyết.
Khi cơ thể có vết trầy xước, mụn nhọt, người bệnh không nên dùng cách đắp lá, thoa thuốc nam. Các loại lá đắp vào vết thương như một dị vật, là môi trường để vi khuẩn bám vào, khiến nhiễm trùng lan rộng nhanh chóng.
"Đối với người bệnh tiểu đường, khi đắp lá cây, vết thương càng lan rộng, dẫn đến nhiễm trùng huyết gây ra hàng loạt vấn đề ở các cơ quan nội tạng. Nếu không nhập viện cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ cao gặp các biến chứng nặng về tuần hoàn, rối loạn đông máu,… thậm chí tử vong", bác sĩ Duy cảnh báo.
Bình luận (0)