Ánh sáng trên biển đêm
Sau 2 ngày đêm ôm can nhựa trôi dạt trên biển, đói khát, kiệt sức, hai thuyền viên Ron Cha Non Phen (50 tuổi) và Xay Xa Phon (33 tuổi) tắt dần hy vọng sống. Đúng lúc đó, họ may mắn được ngư dân Việt phát hiện và cứu vớt... Anh Trịnh Minh Khải, tài công tàu CM 99419 (thị trấn Sông Đốc, Cà Mau), nhớ lại: “Lúc đang chong đèn đánh lưới, qua ánh điện lờ mờ, một ngư phủ trên tàu hét lên khi thấy vật gì giống... người đang trôi về hướng tàu. Người trên tàu quăng dây xuống nhưng nạn nhân đã không còn đủ sức để bắt lấy. Khi được các ngư phủ ôm lên tàu, Phon và Phen chẳng khác hai cái xác”. Vừa cấp cứu nạn nhân, tài công Khải quyết định ngưng chuyến biển để tức tốc đưa nạn nhân vào đất liền kịp thời điều trị.
|
Tỉnh táo lại, ông Phon cho biết họ là thuyền viên trên một tàu cá xuất phát từ tỉnh Xổng Khả (Thái Lan). Khi đánh bắt trong vùng vịnh Thái Lan được 20 ngày thì bất ngờ bị sóng đánh úp, cả 8 người trên tàu đều bị cuốn trôi. Ông Phon may mắn đu được vào chiếc can nhựa. Trôi một đoạn thì gặp Phen đang ngoi ngóp. Hai người cùng đu vào chiếc can đến khi may mắn được tàu Việt Nam cứu vớt. Cả hai không giấu được xúc động khi biết chủ tàu đã chấp nhận lỗ, bỏ chuyến biển để đưa họ về đất liền điều trị.
Trong thời gian chờ xác minh lai lịch để trao trả về nước, hai thuyền viên Thái Lan lưu lại tại Đồn biên phòng Sông Đốc. Ông Phon nghẹn ngào: “Khi bị sóng biển cuốn đi, tôi nghĩ cuộc sống của mình thế là chấm dứt. Nhưng không ngờ mình lại được cứu mạng, lại được đối xử tốt như những người ruột thịt thế này”.
Trước đó, một thuyền viên trên tàu Thái Lan khác, tên Hùn In cũng được một tàu của ngư dân Bến Tre cứu sống đưa vào đồn Sông Đốc. Hùn In đã trôi dạt nhiều ngày trên biển cho đến khi được tàu cá CM 92168 TS của anh Thanh Sơn (Bến Tre) cứu vớt. Anh Sơn bộc bạch: “Làm nghề biển, khi phát hiện người trôi dạt trên biển thì mình phải cứu. Nạn nhân lúc vớt lên tàu thấy còn thở nên chúng tôi tổ chức cấp cứu, cho ăn uống, cho quần áo mặc...”. Qua người phiên dịch, Hùn In trình bày là thuyền viên của một tàu cá. Do không chịu đựng được khổ cực và đối xử tàn bạo của chủ tàu nên đã ôm 2 chiếc can nhảy xuống biển. Nhiều ngày trôi dạt, kiệt sức, anh vớt được đoạn dây cột tay mình vào can để trôi tự do. Khi tỉnh lại thấy mình đang nằm trên tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, được đối xử ân cần, mấy ngày anh cứ sụt sùi.
Cùng gặp cảnh ngộ như Hùn In, Von Đăm Xỉ Ma (31 tuổi, ở Viên Chăn, Lào) cũng do không chịu được cảnh lao động khổ sai và cách đối xử tàn bạo của chủ tàu cá nên nhảy xuống biển thoát thân. Xỉ Ma và 4 người bạn vượt biên sang Thái Lan xin việc ở một tàu cá tại một cảng biển ở miền nam Thái. Đầu quân vào đoàn tàu 4 chiếc, Xỉ Ma nói đi trên tàu này có khoảng 50 người Myanmar, Lào, Campuchia và 6 người Thái Lan. Xỉ Ma khai với cơ quan chức năng của Việt Nam anh đã bị ép lao động không ngơi nghỉ, không tiền lương, không được liên lạc với gia đình… Thế rồi trong một đêm gió lớn, lúc mọi người đã ngủ say, Xỉ Ma ôm can nhảy xuống biển và may mắn được một ngư dân ở Khánh Hội (H.U Minh, Cà Mau) cứu vớt. Xỉ Ma nói, kể từ khi được những người Việt Nam tốt bụng cứu, anh đã có 8 năm làm việc khổ sai trên tàu cá Thái Lan.
Muốn trở thành người Việt
May mắn hơn Xỉ Ma, Mi Po Cun Sóc (43 tuổi, quê xã Băng Prieu, H.Seam Bul, Koh Kông, Campuchia) vừa lên tàu đã sớm được một bạn tàu cảnh báo về chế độ làm việc “khủng khiếp” nên có ý thoát thân. Tàu của Cun Sóc đánh bắt gần vùng biển giáp ranh với Việt Nam. Nhác thấy phía xa có tàu cá treo cờ đỏ sao vàng, anh đã ôm can nhảy xuống biển bơi về phía tàu Việt Nam. Cun Sóc được tàu KG 9836 TS, do anh Nguyễn Hữu Vũ (quê H.U Minh, Cà Mau) làm tài công cứu vớt. Lên tàu, Cun Sóc được đối xử tốt, cùng ăn, cùng làm với các thuyền viên. Đến khi được đưa vào Đồn biên phòng Sông Đốc, Cun Sóc còn được chủ tàu Việt Nam chia tiền công trong những ngày làm việc trên tàu giống như những lao động Việt Nam khác. Cảm kích với cách cư xử, anh tỏ ý muốn xin... ở lại Việt Nam được đi tàu để trả ơn cho ân nhân cứu mạng. Lúc này anh mới biết, những người cứu giúp anh cũng như nhiều ngư dân Việt Nam khác, xem nghĩa cử cứu người hoạn nạn là tự nhiên, không nghĩ đến được trả ơn.
Không phải là ngư dân, nhưng Shai Fuezani Bin Mohamad (quốc tịch Malaysia) trong một lần bốc đồng đã nhảy xuống một chiếc xuồng sắt chạy thẳng ra khơi. Máy hết nhiên liệu, lại không có thức ăn, nước uống, Mohamad trôi vô định hơn 1 tuần trên biển rồi… lạc vào hải phận Việt Nam. Tàu CM 99768 TS của ông Lê Văn Mạnh (Sông Đốc) lúc đang bủa lưới phát hiện có chiếc xuồng lạ trôi lại gần. Khi tiếp cận thấy có người đang nằm thoi thóp. Biết nạn nhân đang trong tình trạng sức khỏe xấu, ông Mạnh đã lệnh thu lưới rồi cho tàu chạy hết tốc lực vượt hàng trăm hải lý vào đất liền. Mohamad được Đồn biên phòng Sông Đốc đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện H.Trần Văn Thời, rồi Bệnh viện Cà Mau. Sau nhiều ngày điều trị, Mohamad dần hồi phục và tha thiết xin ở lại Việt Nam.
Trở lại hoàn cảnh của Vôn Đăm Xỉ Ma, vì xa nhà nhiều năm, mất liên lạc khi còn lao động trên tàu cá Thái Lan, nên rất khó khăn trong việc xác minh lai lịch. Trong thời gian lưu lại đồn, Xỉ Ma đã học được nhiều tiếng Việt. Ngày bàn giao cho Lãnh sự quán Lào, Xỉ Ma cứ níu tay bộ đội, nài nỉ xin được nhập quốc tịch Việt Nam. Phải động viên về nước chăm chỉ làm ăn, khi có điều kiện có thể trở lại thăm anh em, Xỉ Ma mới gạt nước mắt chia tay...
Tiến Trình - Lê Khoa
Bình luận (0)