Darkest Hour (tựa Việt: Giờ đen tối) lấy bối cảnh nước Anh lâm vào tình trạng kiệt quệ giữa Thế chiến II, lại phải chịu áp lực từ sự bành trướng không ngừng của phe Phát xít tại châu Âu. Trong hoàn cảnh đó, Winston Churchill (Gary Oldman) được chỉ định nhậm chức vào ngày 10.5.1940 và buộc phải đưa ra những quyết định mang tính lịch sử, quyết định vận mệnh của nước Anh nói riêng và của cả thế giới nói chung.
tin liên quan
Khởi chiếu 'Darkest Hour', phim giúp Gary Oldman giành Quả cầu vàng 2018Vậy Winston Churchill mà Gary Oldman dày công thể hiện có gì đặc sắc? Trước tiên, nam diễn viên gạo cội đã cho người xem thấy được một vị thủ tướng rất con người, rất đời thường. Hình tượng Winston Churchill trong Darkest Hour không được tô vẽ bóng bẩy như một người anh hùng, một vị cứu tinh, mà ấn tượng ban đầu đối với khán giả chỉ là một lão già gàn dở với thân hình xồ xề, cục mịch. Lão già này ưa hút thuốc, uống rượu, lúc nào cũng ngậm tẩu phì phèo hoặc lai rai vài li bất kể vào bữa sáng hay bữa tối. Đã vậy còn dễ nổi nóng, sẵn sàng đập phá, to tiếng với thư ký chỉ vì cô ta "cách dòng ngắn" thay vì "cách dòng dài" như ông yêu cầu.
|
Được biết, Winston Churchill trong lịch sử từng thừa nhận mắc chứng "rối loạn lưỡng cực" và phải sống cùng những thăng trầm cảm xúc thất thường cho đến cuối cuộc đời. Một người như thế liệu có đủ tỉnh táo để lãnh đạo cả một đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn không? Ban đầu người xem sẽ tự hỏi như thế.
Nhưng rồi theo diễn tiến bộ phim, từng góc độ khác của nhà lãnh đạo nước Anh lần lượt hé lộ. Khán giả không phải người duy nhất hoài nghi về năng lực của Winston Churchill trên màn ảnh, mà chính Đức vua George VI (Ben Mendelsohn) và các thành viên tại Nghị viện cũng cho rằng Churchill "phán đoán kém", "nghĩ ra cả trăm ý tưởng nhưng trong số đó chỉ 4 ý là tốt, 96 ý còn lại là thảm họa"...Thậm chí, Churchill còn bị gắn mác "unwanted" (không ai mong muốn). Dễ dàng nhận thấy ông là một lựa chọn bất đắc dĩ của nước Anh vào thời điểm nguy cấp, một vị lãnh đạo mà không ai chờ đợi, không ai tin tưởng, không ai mong muốn.
|
Chính ở đây ta sẽ ngạc nhiên trước năng lực phi thường của Winston Churchill, vốn không nằm ở những gì thể hiện bên ngoài. Năng lực này sẽ khiến Winston Churchill gần nhất với Adolf Hitler (một điều thú vị là Hitler cũng thích vẽ vời như Churchill, nhưng phong cách hội họa của hai người lại khác xa nhau), đó là năng lực diễn thuyết - điều mà dường như bất kỳ nhà lãnh đạo tiếng tăm nào cũng phải có.
tin liên quan
Phim viễn tưởng nhận đề cử áp đảo tại 'Oscar nước Anh' 2018Bộ phim cũng không quên khai thác một khía cạnh khác rất quan trọng: Churchill là người cẩn thận trong việc lựa chọn từ ngữ, mà các sử gia sau này nhận định ông có "sức mạnh của ngôn từ". Điều đó thể hiện qua nhiều cảnh nhân vật này trở nên sốt ruột, cáu kỉnh, căng thẳng chỉ để lựa chọn một từ thích hợp cho bài diễn văn. Tiêu biểu là khi ông đọc "the time is ripe" (thời cơ đã chín muồi) mà cô thư ký lại gõ thành "the time is right" (thời cơ đã điểm) khiến ông điên tiết. Hoặc khi đứng trước loa phát thanh, chỉ còn một phút nữa là đến giờ, ông vẫn sửa đi sửa lại một số từ cho đến khi vừa ý mới thôi. Chính những chi tiết nhỏ nhặt này đã giúp khắc họa một Winston Churchill hết sức gần gũi với khán giả.
Trong Darkest Hour, Gary Oldman đã thể hiện 2 bài diễn thuyết đáng nhớ nhất của Winston Churchill, đó là bài diễn thuyết khi nhậm chức "Tôi không có gì để cống hiến ngoại trừ mồ hôi, nước mắt và máu" đồng thời cũng nêu rõ quan điểm chính trị của ông ngay từ đầu là phải tuyên chiến với Đức triệt để. Bài diễn thuyết thứ hai là khi Churchill quyết định khởi động chiến dịch Dynamo, gạt đi lời đề nghị hòa hoãn của Ý. Ông lặp đi lặp lại: "Chúng ta sẽ chiến đấu bảo vệ đảo quốc, chúng ta sẽ chiến đấu trên biển, trên đất liền, trên đồng bằng và trên đường phố... chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng...".
|
tin liên quan
Gary Oldman chấp nhận hành xác mong giành được giải OscarBên cạnh đó, Darkest Hour vẫn còn một số hạt sạn trong cách tổ chức nội dung, tình tiết. Hẳn một số khán giả sẽ thấy xuyên suốt thời lượng phim, Winston Churchill loay hoay đấu tranh vất vả cho lí tưởng của mình là thế, bị chống đối nhiều là thế, bỗng dưng ở trường đoạn về cuối mọi đối thủ lại quay ngoắt ủng hộ ông một cách dễ dàng, không lời giải thích. Chẳng hạn Đức vua George VI, người trước đó chê Churchill phán đoán kém và đến nửa bộ phim vẫn hoài nghi về Churchill, tự dưng có thể thân tình tìm đến nhà vị thủ tướng vào lúc nửa đêm để trò chuyện thân mật, bảo rằng từ nay sẽ tin tưởng và ủng hộ ông hoàn toàn. Đó là do họ quá tuyệt vọng hay là một bước ngoặt thiếu thuyết phục trong kịch bản? Như vậy, Churchill trên phim có thể thuyết phục được các thành viên ở Nghị viện tin vào quyết định của ông, nhưng lại chưa thuyết phục được người xem ở điểm này.
Phim hiện đạt số điểm 7,4/10 trên IMDb và 86% trên Rotten Tomatoes.
Bình luận (0)