Bê bối tài chính được bầu làm Phó chủ tịch tài chính VFF

08/12/2018 15:15 GMT+7

Đó là trường hợp ông Cấn Văn Nghĩa, nguyên giám đốc khu liên hợp thể thao Mỹ Đình người đã bị cơ quan thuế tuýt còi vì trong thời gian đương nhiệm vẫn để cho đơn vị mình nợ tiền thuế cho thuê đất và cho kinh doanh trái mục đích, gây tổn hại cho hình ảnh của một khu liên hợp thể thao quốc gia.

Như Thanh Niên đã đưa tin, sau 9 tháng trì hoãn, Đại hội VFF khóa 8 đã chính thức diễn ra vào ngày 8.12 tại Hà Nội. Báo chí không được tham dự sự kiện quan trọng này.
Đại hội đã dành trọn vẹn cả buổi sáng để báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, các đại biểu trình bày ý kiến cũng như lắng nghe định hướng từ Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.
Bộ trưởng nói: "VFF cần đánh giá lại toàn diện các cơ chế, mô hình quản lý, phương thức tổ chức hoạt động bóng đá chuyên nghiệp để có hướng điều chỉnh kịp thời, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của nước ta. Phát huy những kết quả đã đạt được để tiếp tục đề ra những mục tiêu, lộ trình phấn đấu cụ thể cho bóng đá Việt Nam trong những năm tới, từ đó xây dựng các mục tiêu cụ thể để đầu tư trong các đội tuyển quốc gia, đội tuyển U.23, các đội tuyển trẻ, đội tuyển nữ đội tuyển quốc gia...".
Đúng 14 giờ, Đại hội bước sang phần việc quan trọng nhất: 70 thành viên của VFF tiến hành bỏ phiếu, bầu các chức danh chủ chốt và ban chấp hành VFF khóa 8. 12 ứng viên tranh 3 chức danh Phó chủ tịch.
Là ứng viên duy nhất cho chức danh Chủ tịch VFF, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Lê Khánh Hải nhận được số phiếu rất cao, đạt 100% số phiếu. Ông Hải đã từng chia sẻ với báo Thanh Niên khi được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch chính thức giới thiệu ra ứng cử đảm đương chiếc ghế nóng: “Tôi muốn có được một bộ máy làm việc trơn tru, hiệu quả và cùng nhìn về một hướng. Tôi mong rằng, sau đại hội, VFF tiếp tục phát huy những thế mạnh đang có và thực sự trở thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp có uy tín trong xã hội, tạo dựng được thương hiệu”.
Ông Lê Khánh Hải (bìa trái) và Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện Minh Tú
Theo ông Lê Khánh Hải: “Sự lớn mạnh của VFF sẽ được thể hiện ở chỗ thu hút được nhiều doanh nghiệp. Họ sẵn sàng đầu tư cho bóng đá với điều kiện bóng đá phải đẹp, phải sạch, phải hay và có thành tích. VFF phải đáp ứng được sự kỳ vọng và yêu cầu của xã hội, của khán giả. VFF hiện tại có những cái chưa được và được. Làm cách nào để cái chưa được ít đi mà cái được phải nhiều lên.
FIFA và AFC đang đánh giá rất cao bóng đá Việt Nam. Chúng tôi tự hào với điều đó và tin tưởng bóng đá Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở sự “lấp lánh” như vừa qua mà sẽ phát triển bền vững. VFF phải vì cái chung để bóng đá VN tốt hơn lên. Các giải bóng đá được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản; các đội tuyển được đầu tư sâu; đào tạo trẻ được đẩy mạnh - đó là những công việc luôn phải được duy trì ổn định”.
Chức danh Phó chủ tịch truyền thông vẫn là 5 ứng viên: Ông Cao Văn Chóng - Giám đốc điều hành phụ trách truyền thông Tổng Công ty Đầu tư & Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC, ông Phan Anh Tú – Trưởng Ban bóng đá nữ VFF, ông Nguyễn Văn Phú – Tổng biên tập báo Bóng đá, ông Lương Hoàng Hưng – Tổng biên tập Tạp chí sở hữu trí tuệ và sáng tạo, ông Nguyễn Lân Trung - chủ tịch Hội đồng Hợp tác phát triển Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học quốc gia.
Quan chức FIFA, AFC, AFF dự Đại hội VFF Đăng Vũ
Chức danh Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn sẽ là cuộc chạy đua của 3 ứng viên: Ông Trần Quốc Tuấn (hiện đang giữ vị trí này của VFF khóa 7), ông Phạm Ngọc Viễn – Trưởng Ban chiến lược VFF, ông Dương Vũ Lâm – Trưởng Văn phòng đại diện phía nam VFF.
4 ứng viên cho vị trí Phó chủ tịch tài chính tài trợ. Cụ thể gồm ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya VN, ông Lê Văn Thành – chủ tịch Công ty Động Lực, ông Trần Văn Liêng – chủ tịch Công ty Cacao VN; Cấn Văn Nghĩa – nguyên Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.
Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn Đăng Vũ
Kết quả bỏ phiếu nếu nhiều người cảm thấy hài lòng khi chức danh phó chủ tịch chuyên môn và phó chủ tịch truyền thông chọn đúng người có tầm và tâm huyết, có thể kỳ vọng cùng tân chủ tịch VFF mang lại nhiều nét mới mẻ thì giới chuyên môn cũng như người hâm mộ rất sốc khi một vài cái tên thuộc giới doanh nhân đang được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều đổi mới cho bóng đá Việt Nam đã đạt số phiếu cực thấp.
Trong khi đó một nhân vật dính nhiều bê bối như ông Cấn Văn Nghĩa đã trúng cử chức Phó chủ tịch tài chính tài trợ. Ông Nghĩa gắn liền với nhiều vụ  việc lùm xùm của khu liên hợp khi ông còn tại chức. Ông Nghĩa vừa về hưu tháng 9.2018 nhưng lại được hậu thuẫn bởi những quan hệ trước đây.
Phó chủ tịch tài chính tài trợ dính nhiều bê bối ở khu liên hợp thể thao Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa Đăng Vũ
Việc ông Nghĩa trúng cử chưa biết sẽ mang lại điều gì mới mẻ không cho bóng đá Việt Nam. Nhưng trước mắt dư luận hết sức ngờ vực cách giải quyết thiếu kiên quyết và không triệt để của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Tổng cục Thể dục Thể thao với một nhân vật bị nhiều tai tiếng do mình quản lý trước đây để bây giờ vừa về hưu đã nhảy vào ôm mảng tiền nong của VFF sẽ khiến cho hình ảnh của tổ chức này ít nhiều bị ảnh hưởng.
Đây cũng sẽ là bài toán khó cho tân Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải vì tài chính tài trợ là một trong những lá bài tẩy của VFF, cần chọn đúng người để giao. Nhưng với một người đã gây ra bê bối nợ tiền thuế cho thuê đất ở Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình đến hàng trăm tỉ đồng thì rất khó để kỳ vọng VFF sẽ có sự đột phá tốt hơn nhiệm kỳ trước.
Tân Phó Chủ tich Truyền thông Cao Văn Chóng Vy Khánh
Có 3 ứng viên chạy đua vào chức danh Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn. Không bất ngờ khi ông Trần Quốc Tuấn đã đánh bại 2 “đối thủ” là ông Phạm Ngọc Viễn (Trưởng Ban bóng đá chuyên nghiệp VFF) và ông Dương Vũ Lâm (trưởng đại diện Văn phòng VFF ở phía Nam) để tái đắc cử vị trí này.
Về phương diện quốc tế, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn vừa được đại hội Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tại Kuala Lumpur, Malaysia tiếp tục phê chuẩn giữ vai trò trong Thường vụ AFC trong giai đoạn còn lại của nhiệm kỳ 2015-2019. Đối với bóng đá trong nước, ông Tuấn có rất nhiều đóng góp cho sự thành công của nhiều đội tuyển quốc gia trong thời gian qua. Ông Tuấn được 57/69 phiếu, đạt 82,61%.
Phó chủ tịch tài chính tài trợ rất gay cấn khi hai ứng viên Cấn Văn Nghĩa - nguyên giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia và ông Lê Văn Thành - Chủ tịch Động Lực bước vào vòng 2 vì cả hai đều không đạt quá bán số phiếu được bầu.
Ông Cao Văn Chóng trở thành phó chủ tịch truyền thông. Ông Chóng được 42/69 phiếu, đạt 60,68%. Ông Cấn Văn Nghĩa trúng cử chức Phó chủ tịch tài chính tài trợ với 36/69 phiếu. Ông Thành được 31 phiếu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.