Đất đai, tần số đều đấu giá được, sao khoáng sản lại không?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
26/06/2024 15:36 GMT+7

Đại biểu Quốc hội cho rằng, trừ nhóm khoáng sản liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, các loại khoáng sản còn lại đều cần đấu giá minh bạch, công khai để tăng thu ngân sách cho nhà nước.

Thảo luận tại tổ về dự án luật Địa chất và khoáng sản tuần qua, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, quy định về khu vực khoáng sản đấu giá và không đấu giá chưa tạo ra được "lằn ranh minh bạch". Đây chính là kẽ hở có thể dẫn đến tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong việc cấp phép và tổ chức đấu giá khoáng sản.

Đất đai, tần số đều đấu giá được, sao khoáng sản lại không?- Ảnh 1.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân

GIA HÂN

Ông Lê Thanh Vân cho biết, các tài nguyên từ đất đai, tần số vô tuyến điện… đều tiến hành đấu giá quyền khai thác. Nhưng khoáng sản, theo báo cáo tổng kết 13 năm thi hành luật Khoáng sản của Bộ TN-MT, tỷ lệ đấu giá ở T.Ư chỉ 2%, còn ở địa phương chưa đến 20%. "Vì sao? Vì chúng ta chưa có quy định minh bạch về các loại khoáng sản được đấu giá quyền khai thác", ông Vân nêu quan điểm.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, giải pháp tốt nhất là quy định về nhóm khoáng sản liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia và chỉ nhóm này không thực hiện đấu giá mà Nhà nước cấp phép, còn lại là đấu giá. Có như vậy mới ngăn chặn được tiêu cực, tham nhũng trong cấp phép quyền khai thác khoáng sản. "Chúng ta phải có một cái khóa, đó là những vùng cấm còn lại thì nên để cho đấu giá công khai, minh bạch, dân chủ", ông Vân nêu.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cũng dẫn báo cáo của Bộ TN-MT cho biết, dù tỷ lệ các mỏ khoáng sản đấu giá không nhiều song giá trị đều tăng từ 20 - 40% so với giá khởi điểm.

"Như vậy, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ mang lại hiệu quả cao, tăng thu cho ngân sách nhưng tỷ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá rất thấp. Trong thời gian vừa qua, mục tiêu chính sách đối với chế định đấu giá quyền khai thác khoáng sản không đạt được", bà Ngọc nêu.

Không đấu giá sẽ tạo cơ chế xin - cho, dẫn đến rủi ro

Tại dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản trình ra Quốc hội, Chính phủ đề xuất quy định cụ thể tiêu chí khu vực không đấu giá vào luật, thay vì để ở nghị định của Chính phủ như hiện nay.

Theo đó, dự thảo luật (tại điều 104) quy định 5 tiêu chí của khu vực không đấu giá, trong đó có 3 tiêu chí cụ thể, gồm: khoáng sản năng lượng, khoáng sản phóng xạ đã được xác định trong chiến lược, quy hoạch phát triển ngành quốc gia; khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản; khu vực khoáng sản thuộc vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Bà Đặng Bích Ngọc đề nghị cân nhắc quy định khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản thuộc diện không đấu giá.

Đất đai, tần số đều đấu giá được, sao khoáng sản lại không?- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội cho rằng, các mỏ đã được các doanh nghiệp nhà nước thăm dò và phê duyệt trữ lượng, có thể đưa ra đấu giá rộng rãi, minh bạch thay vì cấp phép kiểu xin - cho

GIA HÂN

Bà Ngọc dẫn thực tế, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn được khai thác khoáng sản từ việc tiếp nhận lại các mỏ đã được các doanh nghiệp nhà nước thăm dò và phê duyệt trữ lượng. Tuy nhiên, khi có nhiều đơn vị quan tâm mà nhà nước không có cơ chế lựa chọn phù hợp thì vô hình trung sẽ tạo cơ chế xin - cho dẫn đến rủi ro cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Theo bà Ngọc, việc lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực để cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá cũng sẽ tạo môi trường kinh doanh công bằng cho mọi doanh nghiệp và đặc biệt cũng nhằm tăng thu cho nguồn ngân sách nhà nước.

Đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) cũng cho rằng, các loại khoáng sản được quy hoạch làm nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến là rất rộng và không phải mang tính chiến lược quá lớn.

Do đó, ông Hoàng Anh Công cho rằng, những loại khoáng sản dạng này, như bauxite ở Tây nguyên không nên đưa vào khu vực không đấu giá mà phải chuyển sang khu vực đấu giá để thực hiện đấu giá.

Không hiểu Chính phủ sẽ quyết định theo nguyên tắc nào?

Ngoài 3 tiêu chí cụ thể nói trên, dự thảo luật cũng quy định 2 tiêu chí không đấu giá gồm "trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định"; và trường hợp quy định tại quy định chi tiết của Chính phủ về điều 104 (về khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản).

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) cho rằng quy định này khá mơ hồ và rất dễ dẫn đến sơ hở. "Không hiểu trường hợp khác Thủ tướng Chính phủ quyết định trên nguyên tắc gì? Thứ hai, trường hợp quy định tại quy định chi tiết của Chính phủ cũng không rõ Chính phủ theo nguyên tắc nào để đưa vào khu vực không đấu giá khoáng sản", bà Phương nêu.

Cùng quan điểm này, đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM) cho rằng, trường hợp khác do Thủ tướng quyết định không phải là một tiêu chí để xác định khu vực không đấu giá khai thác khoáng sản.

"Tôi đề nghị phải rà soát lại và quy định rõ các tiêu chí cụ thể, trường hợp nào thì thuộc của khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, không chỉ căn cứ vào tiêu chí mang tính chất hành chính là Thủ tướng quyết định. Đề nghị làm rõ để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc xác định khu vực phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản", ông Hiển nêu.

Đại biểu Hoàng Anh Công cho rằng ngoài vấn đề mâu thuẫn trong kỹ thuật lập pháp thì tại nghị định của Chính phủ sẽ quy định rất nhiều trường hợp không phải đấu giá. Ông Công đề nghị bỏ quy định về các trường hợp khác do Thủ tướng quy định không phải đấu giá.

"Với mục đích tối thượng làm sao đảm bảo số lượng khu vực được đấu giá phải tối đa để đem lại lợi ích tối đa cho ngân sách nhà nước. Chỉ không đấu giá những loại khoáng sản mang tính chiến lược như năng lượng, phóng xạ", đại biểu Hoàng Anh Công nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.