Những năm gần đây, ngoài nghề làm tôm khô, cá khô, người dân ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang... còn ăn nên làm ra nhờ chế biến khô trâu phục vụ tết.
Khô trâu được gia đình chị Nguyệt làm phục vụ tết
- Ảnh: Trần Thanh Phong |
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng khô có quy mô khá lớn ở TT.Phước Long (H.Phước Long, Bạc Liêu), cho biết gần 5 năm trước, nhiều người hỏi tìm mua khô trâu nhưng ở Phước Long không có người làm. Từ đó, chị Nguyệt đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chế biến khô trâu ở nhiều nơi. Hiện chị không chỉ chế biến thành công khô trâu, mà còn xây dựng được cơ sở chuyên chế biến khô trâu Nghĩa - Nguyệt nổi tiếng ĐBSCL. Những ngày cận tết này, gia đình chị tất bật chế biến khô trâu để cung ứng ra thị trường.
Theo kinh nghiệm của chị Nguyệt, để chế biến được miếng khô trâu thơm, ngon, người làm phải chọn mua cho được thịt tươi ở các lò giết mổ gia súc. Nếu thịt đã ướp đá, sau khi làm khô sẽ bị mốc, không ngon. Thịt chọn làm khô phải là thịt đùi, bỏ hết gân, mỡ, cắt thành lát lớn dày khoảng 1 cm. Kế đến là khử tanh thịt bằng cách ngâm nước gừng, rượu trắng và nước muối. Sau đó, đem thịt ướp sả, tỏi, ớt đã bằm nhuyễn hoặc giã nát. Ngoài ra cần trộn thêm ít muối, ngũ vị hương, sa tế cho thấm vào thịt rồi đem phơi nắng và thường xuyên trở thịt. Nắng càng tốt thịt càng ngon, không bị ẩm, mốc. Chỉ sau 2 ngày phơi được nắng thì khô trâu có thể bán cho người tiêu dùng. Bình quân 3 kg thịt tươi có thể làm được 1 kg khô trâu. Khô trâu, có thể bảo quản để ăn nhiều tháng.
Theo chị Nguyệt, những năm gần đây, khô trâu được người tiêu dùng rất ưa chuộng nhất là dịp tết nên làm không đủ bán. Trước đây, giá khô trâu khoảng 200.000 - 300.000 đồng/kg, nay đã tăng lên từ 600.000 - 700.000 đồng/kg. Vì thế, nhiều người trước đây chuyên làm khô cá đồng phục vụ tết nay cũng chuyển hướng sang làm khô trâu để cung ứng ra thị trường. “Khô trâu đang được người tiêu dùng ưa chuộng và trở nên hút hàng. Nhưng do nguồn nguyên liệu, nhất là thịt trâu tươi ngày trở nên khan hiếm nên người chuyên làm khô trâu ở Bạc Liêu phải “săn” tìm mua thịt trâu tươi ở khắp nơi”, chị Nguyệt cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, một người làm các món khô ở TT.Giá Rai (H.Giá Rai, Bạc Liêu), cho biết trước tết một tháng là thời điểm chính vụ để chế biến khô trâu bán tết. Do nguồn thịt trâu tươi hiện rất khan hiếm nên giá khô trâu bán ra thị trường cũng tương đối cao. Ông Hứa Văn Ngẫu, ở ấp Nội Ô (TT.Phước Long), cho biết vào dịp tết, gia đình ông chế biến hàng trăm ký khô trâu để bán ra các tỉnh, thành trong khu vực. Trong đó có nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp xem khô trâu là đặc sản mua làm quà biếu cho người thân, bạn bè trong cả nước, kể cả ở nước ngoài.
Trần Thanh Phong
>> Trái cây đặc sản 'sốt' giá, khan hàng
>> Những đặc sản mùa đông Mộc Châu đừng nên bỏ qua
>> Đặc sản sâu măng rang lá chanh vùng biên Kỳ Sơn
>> Ẩm thực miền Tây tiếp tục hội nhập
Bình luận (0)