"Đặt hàng" Chính phủ

26/07/2011 01:04 GMT+7

Bất chấp nỗ lực thắt chặt tiền tệ, CPI tháng 7 đã quay đầu tăng trở lại. Người dân đang kỳ vọng, Chính phủ nhiệm kỳ mới với những giải pháp đồng bộ, cụ thể, sự quyết liệt trong hành động để kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2011 đạt kết quả tốt hơn.

Về chính sách tiền tệ, chúng ta cũng đã thực hiện rất nghiêm túc việc thắt chặt tiền tệ trong những tháng đầu năm. Nhiệm vụ của những tháng cuối năm là "bịt lỗ rò" trong quá trình thực thi các quy định, chính sách này. Đơn cử như giám sát chặt chẽ thực hiện giảm hạn mức cho vay phi sản xuất của các ngân hàng thương mại để hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh.

Về cắt giảm đầu tư công, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến hết tháng 5 vừa qua đã cắt giảm trên 80.500 tỉ đồng. Xung quanh con số này vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhưng điều mà dư luận quan tâm nhất trong việc này là sự minh bạch. Bởi nếu không công khai, minh bạch danh sách các địa phương, những dự án đã hoặc chưa cắt giảm thì không thể nói đến việc quyết liệt cắt giảm đầu tư công như nghị quyết của Chính phủ đề ra. Vì vậy có thể khẳng định, việc cần làm ngay của Chính phủ nhiệm kỳ mới là công bố danh sách cụ thể, chi tiết về việc cắt giảm đầu tư công. Có như vậy, mới tạo lòng tin cho dân chúng, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm trong việc cắt giảm đầu tư công. Biện pháp được coi là hiệu quả nhất để giảm lãi suất, giảm lạm phát.

Cần tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu ngân sách. Trong bối cảnh CPI đang bật tăng trở lại hiện nay, đã đến lúc phải "thắt lưng buộc bụng", giảm tối đa những khoản chi không cần thiết như xe công, lễ hội, hội nghị, hội họp.

Vấn đề nóng nhất nhưng chưa được đặt đúng tầm trong những giải pháp kiềm chế lạm phát những tháng đầu năm là quản lý giá cả, hàng hóa. Tình trạng "té nước theo mưa"; tạo sốt ảo; tăng giá vô lý hàng hóa... đã, đang và sẽ còn tiếp tục gây sóng gió cho thị trường nếu không kiểm soát chặt chẽ "mặt trận" này. Giá cả tăng nhanh, tăng mạnh, tăng liên tục... khiến cuộc sống của người dân ngày thêm khó khăn. Tổ chức, sắp xếp, quản lý, giám sát chặt chẽ giá cả, hàng hóa là điều người dân đang chờ đợi sự vào cuộc thực sự của các bộ, ngành liên quan.

Cần thể hiện thái độ rõ ràng trong việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng. Đây là những mặt hàng có tác động mạnh lên việc tăng giá hàng tiêu dùng, cước vận tải... ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Nếu các mặt hàng này còn tăng giá, không thể nói đến việc kiểm soát lạm phát.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để loại bỏ lạm phát kỳ vọng, loại bỏ tin đồn, loại bỏ thổi giá...

Dự báo về kịch bản thị trường, lộ trình giảm lãi suất, CPI năm nay... cần được công bố để người dân, doanh nghiệp chủ động trong việc tổ chức sản xuất, giá cả, lên kế hoạch đầu tư…

Kỳ vọng của người dân là "đơn đặt hàng" lớn nhất, quan trọng nhất cho Chính phủ nhiệm kỳ mới trong những tháng còn lại của năm.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.