Phó thống đốc Jakarta Ahmad Rizia Patria vừa qua thông báo thủ đô đã trở thành “vùng xanh” và đã đạt miễn dịch cộng đồng. Reuters dẫn lời ông Patria cho biết hầu hết cư dân đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin và hơn 54% người đã được tiêm vắc xin đầy đủ.
Tuy vậy, chuyên gia dịch tễ Pandu Riono tại Đại học Indonesia cho rằng vị phó thống đốc đã hiểu sai khái niệm miễn dịch cộng đồng. Ông Riono giải thích ngay cả khi 100% cư dân được tiêm vắc xin thì mức miễn dịch cũng chỉ nằm dưới 80%, đồng thời lưu ý thêm về mức độ hiệu quả của các vắc xin là không tuyệt đối.
Jakarta có hơn 10 triệu dân và hầu hết được tiêm vắc xin Covid-19 của Sinovac (Trung Quốc) trong khi một bộ phận tiêm vắc xin AstraZeneca (Anh/Thụy Điển) và Sinopharm (Trung Quốc).
|
Hồi tháng 7, Jakarta vẫn còn đang chật vật trong đợt bùng phát mạnh, khiến các bệnh viện quá tải, thiếu hụt ôxy và nhiều bệnh nhân Covid-19 tử vong tại nhà. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới đã giảm mạnh trong vài tuần gần đây trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin tăng lên. Hôm 12.7, Jakarta ghi nhận hơn 14.600 ca nhiễm mới nhưng hôm 22.8 chỉ có 700 ca.
Tổng thống Joko Widodo thông báo các nhà hàng, trung tâm thương mại, nhà thờ tại một số vùng ở thủ đô sẽ mở cửa trở lại vào ngày 24.8. Trung tâm thương mại được tiếp đón 50% lượng khách so với bình thường trong khi nhà hàng và nơi thờ phượng chỉ là 25%.Tổng thống Widodo cho biết số ca nhiễm mới đã giảm 78% từ ngày 15.7 và tỷ lệ bệnh nhân hồi phục cũng cao hơn so với tỷ lệ nhiễm mới.
Ngày 23.8, Indonesia ghi nhận ít hơn 10.000 ca nhiễm mới, lần đầu tiên từ giữa tháng 7. Số ca tử vong cũng dưới 1.000, lần đầu tiên sau hơn một tháng.Trên cả nước, chỉ hơn 11% dân số đã được tiêm vắc xin đầy đủ, từ khi Indonesia bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 vào tháng 1.
Tuy nhiên, các quan chức lưu ý đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn và biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm gia tăng tại những vùng khác ngoài Jakarta. Giới chuyên gia cảnh báo Indonesia có nguy cơ là nơi xuất hiện siêu biến thể mới.
Bình luận (0)