Một khảo sát của trang Chợ Tốt Nhà trong nửa đầu năm cho thấy, nguồn cung nhà đất của thị trường Đông Nam bộ, đặc biệt vùng ven liền kề TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai... thoạt trông có vẻ tăng ổn định, tuy nhiên nguồn cầu và giá bán lại có dấu hiệu chững lại rõ rệt.
Giảm tìm kiếm đến 17%
Đầu năm nay, thị trường bất động sản vùng Đông Nam bộ khởi sắc với loạt công trình hạ tầng và giao thông trọng điểm như: sân bay Long Thành, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, metro Bình Dương - Uyên Hưng - Tân Thành, metro Dĩ An - Tân Uyên, metro Bến Thành - Suối Tiên - Dĩ An... Đặc biệt, sau khi Bộ Xây dựng có quy hoạch hệ thống đô thị theo chiến lược hình thành tam giác kinh tế Bình Dương - TP.HCM - Đồng Nai, đất nền khu vực này luôn có “sóng ngầm” dữ dội.
tin liên quan
Chuyển động mới của bất động sản Long ThànhTuy nhiên, chỉ khoảng một thời gian ngắn ngay sau tết, thị trường đất nền ở đây bắt đầu hết “sóng”, hết “nóng”, thay vào đó, nhà đầu tư tìm đến các khu vực vùng ven hay lân cận TP.HCM như huyện Cần Giờ, về Bà Rịa hoặc xa hơn ra tận Bình Thuận bởi sự hấp dẫn của sân bay Phan Thiết, hoặc ra Cam Ranh khi thông tin về đặc khu Vân Phong vẫn còn râm ran đâu đó.
Với vùng ven khu vực Đông Nam bộ, theo chuyên gia bất động sản trên trang Chợ Tốt Nhà, đa số người mua nhà đất đã thận trọng hơn trước, đặc biệt tỏ ra thận trọng trước các thông tin “nóng sốt” từ các nhóm cò dẫn dắt và hét giá cao. Thống kê từ Chợ Tốt Nhà cho thấy, lượng tìm kiếm ở hai khu vực dẫn đầu là Đồng Nai và Bình Dương trong tháng 5.2019 đã giảm mạnh từ 8-17% so với tháng trước và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Với nhà bán tại hai tỉnh này cũng vậy, số liệu trên trang Chợ Tốt Nhà cho thấy, giá nhà đất ở Bình Dương trung bình 18 triệu đồng/m2 và Đồng Nai là 22 triệu đồng/m2. Trong khi đó, thị trường đất nền thì ngược lại. Bình Dương “có giá" hơn với mức 10 triệu đồng/m2 và Đồng Nai dao động ở ngưỡng 7-8 triệu đồng/m2. Nhưng, lượng người tìm mua, trao đổi, sang tên lại giảm sút mạnh.
Đất nền ở Tân Uyên tạo “sóng”
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa đất nền tại hai tỉnh miền Đông Nam bộ nguội lạnh hoàn toàn. Khảo sát cũng cho thấy, ngay tại thị xã Tân Uyên (Bình Dương) có hiện tượng sóng đất nền. Cụ thể, mức độ người quan tâm, tìm hiểu đất đai tại thị xã Tân Uyên tăng hơn 130%.
|
Ngoài ra, theo phân tích trong báo cáo của Chợ Tốt Nhà, ở Đồng Nai, đầu tháng 6, Long Khánh chính thức trở thành thành phố thứ 2 trực thuộc tỉnh với nhiều triển vọng phát triển kinh tế và lưu thông hàng hóa. Các dự án giao thông tầm quốc gia như quốc lộ 1, cao tốc Biên Hòa - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt… cũng đang góp phần đưa thị trường bất động sản nơi đây tăng tốc mạnh mẽ. Số lượt quan tâm của phân khúc đất nền ở Long Khánh đã đạt đỉnh liên tiếp 3 tháng từ sau tết, cao gấp 7, 8 lần so với giai đoạn trước tết. Tuy vậy, giá đất nền ở khu vực này vẫn khá “mềm" với mức trung bình 6-7 triệu đồng/m2.
Bình luận (0)