Vườn, ruộng bỏ hoang
Tuyến tỉnh lộ 15 nằm song song với sông Sài Gòn, ngược từ H.Hóc Môn về H.Củ Chi (TP.HCM) có thể bắt gặp rất nhiều đoạn là đất vườn, đất ruộng bỏ hoang. Đặc biệt gần đây, khu vực thượng nguồn các lô đất bị bỏ hoang không canh tác ngày càng nhiều. Trên những mảnh ruộng ngày xưa giờ mọc lên toàn trụ bê tông với dây kẽm gai; thỉnh thoảng có vài nơi còn được thả bò nhởn nhơ gặm cỏ.
Ruộng lúa cặp bờ sông trên địa phận xã An Phú giờ “mọc” lên cọc bê tông |
Minh Đăng |
Dọc bờ sông Sài Gòn khu vực thuộc địa phận xã An Phú, hiện chỉ còn thưa thớt vài căn nhà tạm bợ, một vài chuồng bò nho nhỏ… phần lớn còn lại là đất hoang, cỏ dại. Cô Chín, cư dân địa phương, kể trước kia ở khu vực này toàn là đất ruộng trồng lúa. Chủ đất ở trong xóm làng bên trong, ban ngày khi vào mùa vụ mới ra đồng làm việc. Nhưng làm lúa cũng trầy trật lắm vụ được vụ không, nên những năm 2017 - 2018, có người tìm mua đất thì nhiều người đã bán lấy vốn kiếm nghề khác làm ăn. Chủ đất mới hầu hết là nơi khác tới, mua đất bỏ đó đầu cơ kiếm lời chứ không phải để sản xuất. Vì thế, những mảnh đất cứ qua tay người này, người kia rồi vẫn bỏ hoang hóa. Đáng nói, dù quy định đất lúa chỉ được giao dịch trong nhóm người làm nông nghiệp nhưng người ta vẫn có cách “chạy” được hết. “Nhất là mấy người dân tỉnh, họ về quê của mình nhờ xác nhận có hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là được”, cô Chín nói.
Đất ruộng/đất bờ sông được giới đầu cơ “cá mập” xem là “siêu phẩm” vì khả năng sinh lợi cao và diện tích lớn. Trong quá trình thâm nhập khu vực này, chúng tôi làm quen được một môi giới tên Khang, rao bán 2 lô đất diện tích 2 ha và 4,5 ha với giá tương ứng là 45 tỉ và 67 tỉ đồng. Môi giới Khang cho chúng tôi xem hình ảnh chụp toàn cảnh khu vực mảnh đất. Thế nhưng, sổ hồng mà anh cung cấp thì chỉ một phần nhỏ vài trăm mét vuông là đất trồng cây lâu năm, phần lớn còn lại là đất trồng lúa nước. “Đất đã được chủ chuyển đổi lên đất trồng cây hết rồi. Chủ đất sẽ cho xem sổ đầy đủ khi xem đất, ký hợp đồng”, anh Khang khẳng định. Tìm hiểu thông tin này qua nhiều nguồn thì được biết chủ đất hiện tại là H.V.Đ.N, một “đại gia” hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Mảnh đất này cũng qua nhiều đời chủ và vẫn đang tiếp tục chờ chủ mới.
Cọc bê tông, kẽm gai quây kín
“Siêu phẩm đất vườn” là sản phẩm sốt nhất thị trường hiện nay mà các công ty môi giới ra sức chào mời khách. Sản phẩm phổ biến được rao bán diện tích từ 500 - 1.000 m2. B.N, nhân viên môi giới Công ty T.P, đưa chúng tôi đi thăm khu nhà vườn ở xã Trung Lập Hạ được phân thành 25 lô, diện tích mỗi lô khoảng 1.000 m2, đơn giá từ 2,6 - 3,2 triệu đồng/m2 , có lô giá tới 4,1 triệu đồng/m2. Nói siêu phẩm, “dự án” nhưng quan sát thực tế thì khu vực này mới được san lấp mặt bằng nằm lọt thỏm giữa xung quanh là ruộng lúa và rau muống. Nhiều lô nước ngập sâu cả tấc, có lô vẫn xanh màu mạ non, mọc lên từ những gốc rạ của mùa vụ trước còn sót lại.
Một “dự án” nhà vườn khác ở xã Nhuận Đức, từ đường Bà Thiên đi vào khoảng hơn 100 m đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng và cắm cọc ranh đất. Tổng thể thì chỉ là một bãi đất trống nằm lọt thỏm giữa 2 bên là ruộng dưa của người dân địa phương. Dù là ruộng dưa nhưng giá cũng được hét từ 1,9 - 2 tỉ đồng/lô 500 m2, tương đương gần 4 triệu đồng/m2. Khi chúng tôi đòi xem sổ hồng, môi giới bảo phải đợi vì đang chờ tách sổ.
Môi giới tên P.H giới thiệu cho chúng tôi một dự án đất vườn ở xã Tân Phú Trung, gần Bệnh viện Xuyên Á, diện tích 500 m2 với giá lên tới 2,4 - 2,6 tỉ đồng. Đến hôm sau, P.H gọi lại và thông báo: “Giá đó chỉ là giá “demo” (tham khảo) chứ chưa phải giá chính thức. Khi nào có giá chính thức sẽ báo lại, có thể hơi cao hơn một chút”.
Theo tìm hiểu, các “dự án” phân lô mà đất vườn được rao bán ở H.Củ Chi là đất trồng cây lâu năm, nhưng môi giới cam kết “sẽ lên thổ cư được”. Nếu đòi xem sổ đỏ thì họ sẽ thoái thác với lý do “đang tách, phải 3 - 4 tuần nữa mới ra sổ” và hối khách ký hợp đồng đặt cọc, khi có sổ sẽ ký công chứng. Các công ty này lôi kéo khách bằng rất nhiều chương trình tặng từ vài chỉ đến cả lượng vàng khi xem đất mà ký hợp đồng/đặt cọc ngay trong ngày.
Anh N.N.Hùng, một người dân Củ Chi, cho biết: “Các công ty môi giới báo giá cao hơn rất nhiều so giá gom đất từ người dân. Họ tràn về, mua bán, thu gom, tạo sốt khiến thanh niên trai tráng ở quê giờ không ai làm gì nữa, chỉ la cà từ quán cà phê sang quán nhậu rồi chờ bán đất đổi đời. Một số chuyển sang làm cò đất”.
Sau khi xem dự án đất vườn ở xã Nhuận Đức, môi giới mời chúng tôi ghé quán nước đầu đường vào dự án nghỉ chân, khoảng 10 giờ sáng nhưng có rất đông khách là dân địa phương.
Tuy tâm điểm cơn sốt đất ở TP.HCM hiện nay xảy ra ở H.Củ Chi, nhưng đã lan sang cả các địa phương khác nằm trong hướng tây bắc của TP. Trả lời Thanh Niên qua điện thoại, ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND H.Hóc Môn, nhận định: “Tình hình sốt giá đất nông nghiệp đang diễn ra ở các nơi khác, riêng tại H.Hóc Môn thì tình hình cơ bản đã được kiểm soát. Việc các chủ đất họ mua đất nông nghiệp rồi bỏ không sản xuất cũng khá phổ biến. Tuy nhiên chúng tôi chỉ quản lý và can thiệp khi họ sử dụng sai mục đích, còn họ bỏ không hay rào chắn để giữ đất thì mình không can thiệp được”.
Bình luận (0)