Đất nước qua 30 năm đổi mới - Kỳ 2: Nhân chứng trong 'Cái đêm hôm ấy… đêm gì?'

22/01/2016 11:00 GMT+7

Cách đây gần 30 năm, bút kí “ Cái đêm hôm ấy… đêm gì? ” của cố nhà văn Phùng Gia Lộc như một “cơn địa chấn” góp phần đẩy nhanh công cuộc đổi mới sau Đại hội Đảng lần thứ 6.

Cách đây gần 30 năm, bút kí “Cái đêm hôm ấy… đêm gì?” của cố nhà văn Phùng Gia Lộc như một “cơn địa chấn” góp phần đẩy nhanh công cuộc đổi mới sau Đại hội Đảng lần thứ 6.

Gia đình nhà văn Phùng Gia Lộc - Ảnh: Tư liệu gia đìnhGia đình nhà văn Phùng Gia Lộc - Ảnh: Tư liệu gia đình
Bài bút kí này của Phùng Gia Lộc góp phần thay đổi nhận thức nhiều người, thay đổi số phận của hàng chục triệu người nông dân đang rơi vào cảnh bí quẫn cùng cực. Bài viết đăng trên báo Văn Nghệ số ra ngày 21.3.1988 nhưng được đặt trong bối cảnh năm 1983 ở vùng quê nhà văn Phùng Gia Lộc là làng Láng, xã Phú Yên, Thọ Xuân (Thanh Hóa).
Cường hào mới
Năm đó ông Lộc về nghỉ hưu trước tuổi dù vẫn tham gia phong trào văn nghệ ở địa phương. Thời gian này trước đổi mới 1986, ở Thanh Hóa quê ông và sau này là khắp nông thôn miền Bắc, nạn "cường hào mới" nổi lên khắp nơi. Một số cán bộ vốn là "đầy tớ của nhân dân", thời chiến tranh được nhân dân nuôi nấng, che chở, bây giờ thành "người có công" lên nắm quyền hành, lợi dụng quyền thế ức hiếp dân lành gây nhiều bức xúc. Chính sách thuế khóa từ trên áp đặt xuống, các địa phương phải tận thu để đủ chỉ tiêu cùng với nhiều chính sách đường lối thời bao cấp khác làm cho người dân ngày càng nghèo mạt, người nông dân trực tiếp làm ra lúa gạo vẫn phải chịu cảnh thiếu đói.


Hiện ba người con trai của nhà văn Phùng Gia Lộc là Phùng Gia Học, Phùng Gia Thức và Phùng Gia Văn đều sinh sống ở TP.HCM và ít nhiều thành công trong cuộc sống. Bà Đỗ Thị Hoa từ Thanh Hóa chuyển vào TP.HCM ở với các con trai.


Đỉnh điểm của bài bút kí là vào gần 1 giờ sáng, công an và dân quân xộc vào nhà ông Lộc để bắt đóng số thuế thóc còn thiếu. Cuộc bố ráp được nhà văn miêu tả giống như cuộc vây bắt tội phạm nguy hiểm.
Kể lại những chi tiết trong bài kí do bố mình viết, sau gần 30 năm, Phùng Gia Học – con trai đầu của nhà văn Phùng Gia Lộc và là nhân vật có mặt trong bài bút kí – cho hay bài viết miêu tả hoàn toàn chân thực những gì mà gia đình anh trải qua. Tuy nhiên, bố anh đã cô đọng đỉnh điểm nỗi cơ cực của gia đình chỉ trong một đêm thu thuế thóc.
Năm 1986, Phùng Gia Học tròn 13 tuổi nên anh nhớ như in khung cảnh đói khổ ở làng quê, gia đình trước những năm đổi mới. Là con cả trong nhà có ba anh em trai, bố đi làm ở xa nên mọi công việc nặng nhọc trong gia đình do mẹ và anh Học gánh vác. Học vẫn nhớ như in những đêm giá lạnh thấu xương, anh cùng mẹ đầm mình vớt lúa bị ngập nước. Số lúa thu được, hạt lép dành để ăn còn hạt nguyên đem đi nộp tô thuế.
Cũng vì lớn nhất nhà, khỏe mạnh nhất mà những năm tháng đó, đến bữa ăn anh Học thường giành ăn khoai sắn để nhường cơm cho hai em và bà nội già yếu. Sự cơ hàn thời niên thiếu ám ảnh Học đến tận bây giờ, dù sau này khi đất nước đổi mới anh nhận được học bổng du học bôn ba khắp năm châu bốn bể.
Người nông dân còn khổ gấp nhiều lần
Bây giờ nhớ lại bà Đỗ Thị Hoa - vợ nhà văn Phùng Gia Lộc - không hiểu sức mạnh nào để bà vượt qua được những thời khắc kinh hoàng đó. Chồng đi làm xa với phụ cấp còm cõi 13 kg gạo/tháng, một mình bà ở nhà nuôi nấng 3 đứa con nhỏ, lại thêm mẹ chồng giá yếu. Bà Hoa cho hay khi đó gia đình bà có 2,4 sào đất đưa vào hợp tác xã. Mỗi năm làm 2 vụ, nếu lúa tốt cho năng suất gần 2 tạ/sào nhưng quy định mức đóng thuế lên tới 1,5 tạ/sào.
Bà Đỗ Thị Hoa và con trai đầu Phùng Gia Học - Ảnh: Trung HiếuBà Đỗ Thị Hoa và con trai đầu Phùng Gia Học - Ảnh: Trung Hiếu
“Sản xuất tập thể hợp tác xã kém hiệu quá, cộng với chính sách thuế quá cao khiến không có gia đình nào trong làng đủ ăn. Có gia đình ngày mùng 1 Tết mới thưởng cho con cái ăn cơm trắng còn quanh năm ăn cơm độn khoai, sắn, rau má”, bà Hoa nhớ lại.
Bà Hoa cho hay sau khi bài bút kí chấn động được đăng tải, chồng bà phải lên Hà Nội tới nhà bạn lánh nạn mấy tháng trời. Cũng có tin nhà văn Phùng Gia Lộc bị kẻ xấu thù ghét bắt cóc. Chính quyền địa phương nhiều lần gọi bà lên chất vấn về bài viết của chồng, thậm chí còn tổ chức họp kiểm điểm. Tuy nhiên, điều bà cảm thấy được an ủi là trong những buổi họp, người dân đứng lên bảo vệ bà. Họ cho rằng ông Lộc viết đúng nhưng chưa đủ. Bởi nếu viết đủ thì nỗi khổ của người dân xã Phú Yên còn cùng cực gấp bội phần.
Nhớ về chi tiết giấu thóc trong quan tài và bị phát hiện, bà Hoa cho rằng đó là chi tiết có thật. Số thóc đó được bà giấu để lo cho mẹ chồng lúc đó già yếu chẳng may có mệnh hệ gì. Nhưng rồi đêm đó, bà phải gánh thóc lên xã nộp mà vẫn chưa đủ.
Anh Học cho hay sau bài bút kí đó, nhà văn Phùng Gia Lộc nhận được nhiều thư phản hồi, cả ủng hộ lẫn chỉ trích. Trong số đó đáng chú ý có một bức thư của tác giả Đăng Bửu gửi về mắng chửi nhà văn với lời lẽ rất thậm tệ, nói Phùng Gia Lộc là một tên bồi bút phản động. Báo Văn Nghệ đã cho đăng nguyên văn bức thư này. Sau khi bức thư được đăng tải, ngay lập tức có hàng trăm lá thư phản hồi bênh vực nhà văn Phùng Gia Lộc và trở thành diễn đàn tranh luận suốt một thời gian dài.
Theo anh Học, chính nhờ bức thư của tác giả Đăng Bửu và sự dũng cảm tạo diễn đàn tranh luận của báo Văn Nghệ mà sức lan tỏa của bài bút kí Cái đêm hôm ấy… đêm gì? lẫn tên tuổi nhà văn Phùng Gia Lộc ngày càng lớn góp phần cho công cuộc đổi mới diễn ra theo chiều hướng cởi mở, có lợi cho người nông dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.