Hãng tin AFP ngày 23.10 đưa tin, dự luật cấm buôn bán, nhập khẩu và sản xuất rượu được quốc hội Iraq với đa số thành viên là người Hồi giáo Shiite, thông qua vào ngày 22.10. Những người vi phạm dự luật sẽ bị phạt từ 8.500-21.000 USD.
tin liên quan
Cô gái tử vong vì bị ép uống rượu ở tiệc cướiSự việc một cô gái bị tử vong vì bị ép uống rượu tại tiệc cưới đang khiến dư luận hoang mang.
Dự luật chủ yếu ảnh hưởng đến cộng đồng người Cơ đốc giáo và các cộng đồng sắc tộc thiểu số khác vốn không cấm các tín đồ uống rượu. Trong khi đó, các cộng đồng Hồi giáo bảo thủ bao gồm người Hồi giáo Shiite bấy lâu nay cấm tín đồ uống rượu.
Dự luật cũng sẽ khiến hàng trăm cửa hàng bán rượu trên toàn quốc sẽ phải đóng cửa. Những người chủ lẫn nhân viên các cửa hàng rượu ở thủ đô Baghdad đã tức giận trước động thái này.
“Chúng tôi không biết kiếm công việc nào khác. Gia đình của chúng tôi sẽ mất thu nhập”, Maytham, chủ một cửa hàng bán các loại rượu địa phương và bia rượu nhập khẩu ở quận Karrada, Baghdad, cho biết.
Một số nhà chính trị đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ vì họ cho rằng dự luật vi phạm một điều khoản của hiến pháp cam kết bảo vệ các quyền tự do cho các sắc tộc thiểu số.
“Việc quốc hội tán thành lệnh cấm rượu là hoàn toàn trái hiến pháp”, nghị sĩ người Cơ đốc giáo Emad Yokhanna, nói.
Trong khi chính phủ Iraq đang phát động chiến dịch tấn công giải phóng Mosul khỏi sự chiếm đóng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), nghị sĩ Haidar al-Mullah thuộc Liên minh người Ả rập tại quốc hội Iraq cho rằng dự luật truyền đi thông điệp sai trái.
“Đây là một chiến thắng cho lý tưởng của IS”, ông Haidar al-Mullah nói khi ám chỉ đến những điều luật hà khắc của IS bao gồm cấm uống rượu.
Nghị sĩ người Hồi giáo Shiite Monadhel al-Mosawi biện hộ rằng dự luật được thông qua dựa trên lý do đạo đức chứ không phải tôn giáo.
“Nếu bạn xem xét kỹ các tội ác ở Iraq, bạn sẽ thấy phần lớn chúng xảy ra là do rượu hoặc ma túy. Không chỉ người Cơ đốc giáo uống rượu mà nhiều người Hồi giáo cũng uống. Đây là bằng chứng cho thấy dự luật không nhằm chống lại người Cơ đốc giáo và người dân thuộc các sắc tộc khác”.
Rượu ít được bán trong các nhà hàng và khách sạn ở Iraq nhưng tiêu thụ rượu vẫn khá phổ biến, đặc biệt là ở Baghdad.
Bình luận (0)