'Giữ - Gìn - Lòng - Ngay - Thẳng - Ro'
Hôm vừa rồi, một anh bạn đồng nghiệp đến nhà tôi chơi, dẫn theo 2 thằng con trai kháu khỉnh. Anh bạn là một tay nhậu rất khỏe nên khi tôi hỏi, tên đi học của 2 ông cu con là gì, anh ta cười rộ sảng khoái: “Thằng anh tên Nhâm, thằng em tên Nhi.”
Nghe vậy, tôi cũng cười rộ, vỗ đùi khen 2 cái tên "Nhâm - Nhi" vừa tượng hình vừa rất có không khí của một chiếu rượu.
Hàng xóm của tôi cũng là một tay mê rượu nên đặt tên con, cũng 2 thằng con trai, là Tô và Lít. Hồi anh hàng xóm ấy mới chuyển về, vợ anh ta (là người Nam bộ) cứ suốt ngày gọi: "Bớ, Tô-Lít về ăn cơm", tôi nghe tiếng được tiếng mất, cứ tưởng là Tô-lích nên mới bé cái nhầm, nghĩ rằng anh ta du học bên… Liên Xô về, hóa ra không phải.
Nhưng những cái tên này chưa hay và ảo diệu bằng cách đặt tên con của ông đầu xóm. Ông ta tên Nguyễn Giữ, vậy là đặt tên con vừa trai vừa gái một dây như sau: Gìn - Lòng - Ngay - Thẳng - Ro. Gọi cho đầy đủ sẽ là: Giữ - Gìn - Lòng - Ngay - Thẳng - Ro. Hồi nhỏ, tôi chơi thân với thằng Ro. Thằng Ro tính tình chất phác, mộc mạc như chính cái tên dân dã của nó vậy. Mấy anh chị nó cũng thế.
Một người bạn tôi thì kể, gần nhà anh ta có gia đình đặt tên con theo thứ tự là: Rong, Rêu, Trơn, Trợt, Té, Ịch. Tôi nghĩ, chắc ông bố bà mẹ của gia đình này là người rất hóm hỉnh, hoạt kê.
Không 'đụng hàng'
Người ta quan niệm, tên càng dân dã càng dễ nuôi. Nhớ hồi nhỏ về quê chơi, bên nhà từ đường của tôi có một nhà chuyên làm đồ đất nung mà chủ yếu là các loại lò (bếp) đất. Những hôm, trời đang nắng bỗng dưng đổ mưa, thế nào cũng nghe tiếng bà hàng xóm ré lên: “Bớ! Củm em, Củm chị về dồn lò".
Ngay lập tức, có 2 đứa con gái đen nhẻm, tóc hoe vàng lon ton chạy về khuân mấy cái lò đất đang phơi nắng ngoài sân vào nhà.
Người miền Trung vẫn hay dùng "củm" để nói tránh cho một chữ có ý nghĩa thô tục. Bởi vậy, khi nghe gọi "Củm em, Củm chị", là bọn trẻ con trong làng cứ nhe răng sún hi hi, ha ha cười rộ.
Thật ra, nói một cách nghiêm túc, đặt tên con không chỉ là chuyện thích gì đặt nấy mà là nét văn hóa gắn liền với những tập tục của từng vùng miền, cũng có thể coi đó như một hiện tượng ngôn ngữ - văn hóa được trao truyền qua nhiều thế hệ.
Tôi có 2 thằng con trai, cũng bắt chước đặt cho chúng những cái tên ở nhà vừa dân dã vừa vui vui, lại ít “đụng hàng”. Thằng con lớn của tôi lúc nhỏ có hàm răng đều tăm tắp, rất đẹp, nhưng khi lớn thay răng, có 2 cái răng cửa hơi bị to nên tôi mới gọi hắn là thằng Răng To. Còn thằng em sinh ra da trắng môi đỏ như con gái, tôi bèn gọi hắn là thằng Môi Đỏ. Nhờ vậy, nửa đêm mà có ngủ mơ réo gọi nàng nào “mắt xanh môi đỏ” thì bà xã cũng chẳng nghi ngờ. Thật là nhất cử tam tứ tiện!
Bình luận (0)