Đặt tên đường 2 nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
19/02/2024 16:24 GMT+7

TP.Đà Nẵng vừa đặt tên đường nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Hoàng Minh Thắng và nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Được.

Ngày 19.2, tại Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) diễn ra lễ đặt tên đường nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Hoàng Minh Thắng với sự chứng kiến của lãnh đạo TP.Đà Nẵng, Q.Ngũ Hành Sơn và người dân khu vực.

Đường Hoàng Minh Thắng được đặt tại tuyến đường quan trọng, nối từ đường Võ Chí Công đến đường Võ Quý Huân với chiều dài 1.030 m, mặt đường rộng 21 m.

Đặt tên đường 2 nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng- Ảnh 1.

Lễ đặt bảng tên đường Hoàng Minh Thắng

NGUYỄN TÚ

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Hoàng Minh Thắng tên thật là Nguyễn Tấn Vịnh, bí danh Quyết Thắng, quê ở làng Tiên Đóa, nay thuộc xã Bình Sa, H.Thăng Bình, Quảng Nam.

Ông tham gia cách mạng năm 1945. Năm 1951-1954, ông là Phó ban chính trị Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng, kiêm Phó ban Chính trị Thành ủy Đà Nẵng rồi Chính trị viên phó tiểu đoàn.

Từ 1955 - 1958, ông tập kết ra Bắc, từ năm 1959 - 1960 là Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 14, Sư đoàn 324 rồi Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 78, Sư đoàn 325.

Tháng 12.1960, ông vào chiến trường miền Nam và được cử làm Chính ủy Trường Quân chính Quân khu 5. Từ năm 1963 - 1968, ông là Chính trị viên Trung đoàn, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam.

Năm 1969, ông là Phó chính ủy Sư đoàn 3 bộ binh và được phong quân hàm đại tá. Từ năm 1970 đến 1974, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chính trị viên Tỉnh đội.

Sau ngày giải phóng, từ tháng 10.1975, ông được cử làm Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ).

Từ năm 1982 - 1986, ông là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.

Năm 1986 đến năm 1991, ông làm Bộ trưởng Bộ Nội thương. Năm 1993 là Bí thư Đảng đoàn - Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1998.

Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 5 và khóa 6, đại biểu Quốc hội khóa 6, 7, 8, 9.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất... Ngày 26.7.2012, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông mất năm 2016.

Đặt tên đường 2 nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng- Ảnh 2.

Đặt tên đường Trương Quang Được tại Q.Ngũ Hành Sơn

NGUYỄN TÚ

Trước đó, ngày 18.2, UBND Q.Ngũ Hành Sơn cũng tổ chức lễ gắn bảng tên đường nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Được.

Tuyến đường Trương Quang Được nằm ở P.Hòa Quý (Q.Ngũ Hành Sơn), có điểm đầu giao đường quy hoạch 7,5 m (gần cầu nối qua đảo nổi Đồng Nò), điểm cuối giao với đường quy hoạch 7,5m (giáp ven sông), dài 1,4 km, bề rộng lòng đường 10,5 m, vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

Ông Trương Quang Được sinh năm 1940, quê quán tại thôn Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP.Hội An (Quảng Nam), tham gia cách mạng tháng 5.1952, vào Đảng tháng 5.1965.

Từ tháng 1.1997 đến tháng 1.2000, sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ông làm Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng.

Từ tháng 2.2000, Trung ương phân công ông làm Trưởng ban Dân vận Trung ương. Năm 2002, ông giữ chức Phó bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội khóa 11.

Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa 7, 8, 9, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 9, đại biểu Quốc hội các khóa 8, 10, 11. Ông nghỉ hưu năm 2008 và mất năm 2016.

Ông Trương Quang Được đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND Q.Ngũ Hành Sơn, cho biết việc đặt tên đường mang tên các vị lãnh đạo quê hương là sự tri ân của cán bộ, đảng viên và người dân với những công lao đóng góp cho đất nước; đồng thời góp phần quan trọng giáo dục về lịch sử, truyền thống quê hương cho thế hệ mai sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.