Khu dân cư Bình Hưng, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh với nhiều nhà phố, biệt thự mới xây, đẹp, khang trang. Tuy nhiên, dọc các tuyến đường số 9, 12, 14, 16…, không khó tìm thấy những bãi rác. Bên cạnh nhà số 19, đường số 14 là mảnh đất trống, kẹp hai bên là 2 căn biệt thự sang trọng. Tuy nhiên, mảnh đất này lại trở thành nơi tập kết đủ loại rác, từ nhành cây vừa mới đốn hạ, xà bần, chiếu nệm cũ cho đến cả rác sinh hoạt…
Không chỉ đất trống, những lô đất dù đã được xây tường rào che chắn, kèm bảng “Cấm đổ rác” nhưng vẫn ngổn ngang rác. Quanh khu dân cư này, nơi nào có đất trống là nơi đó có bảng thông báo cấm đổ rác, cấm đái bậy. Nhiều người còn dựng lên những tấm bảng: “Khu vực chính quyền nghiêm cấm đổ rác”, “UBND xã Bình Hưng cấm đổ rác, bị phát hiện sẽ bị phạt từ 500 đến 1 triệu đồng”... nhưng rác vẫn tràn ngập.
|
Đi trên đường Hòa Bình, Q.Tân Phú ai cũng giật mình khi ngang qua mảnh đất đối diện nhà 118 Hòa Bình. Dù có tường chắn nhưng rác vứt nhiều khiến bức tường bị sập một mảng, rác từ bên trong chảy tràn ra đường. Thực trạng này còn tồn tại ở khu dân cư An Sương (P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM), dự án khu Metro Q.6, khu dân cư ấp 5 xã Phong Phú, H.Bình Chánh…
Cán bộ môi trường Nguyễn Thị Quang Sương, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, cho biết: Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi đã cố gắng tìm chủ đất để vận động họ xây dựng tường bảo vệ, tuy nhiên, có nhiều mảnh đất bán qua mấy đời chủ, có chủ đất hiện đang ở nước ngoài nên việc liên lạc với họ rất khó. Vì vậy, xã phải thu gom, phát quang, vận động bà con không vứt rác bừa bãi...
Một lãnh đạo P.2, Q.Tân Bình nói thêm: Hiện chưa có một quy định buộc chủ đất chưa xây dựng phải có biện pháp bảo vệ mảnh đất, ngăn chặn việc vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm... Do đó, khi xảy ra việc này, nếu là đất dự án, chúng tôi vận động chủ dự án thu gom, phát quang. Với đất trống thuộc khu dân cư hiện hữu, nếu liên lạc được chủ đất thì vận động họ xây tường rào. Nếu không liên lạc được thì phường dựng tường rào để ngăn chặn việc đổ rác bậy, kết hợp với Phòng Y tế dự phòng tổ chức phun thuốc diệt chuột, ruồi nhặng cũng như thu gom rác, phát quang, đốt cỏ...
“Thiết nghĩ, cần có một quy định buộc chủ đất có trách nhiệm trông coi, gìn giữ mảnh đất mình sở hữu. Nếu xảy ra tình trạng đổ rác, gây ô nhiễm thì chủ đất phải chịu trách nhiệm. Nếu để chính quyền thu dọn, dựng tường rào... thì chủ đất phải trả lại kinh phí cho chính quyền, phí sẽ bị thu khi chủ đất xin giấy phép xây dựng” - một hộ dân trong khu dân cư ấp 5 xã Phong Phú, H.Bình Chánh đề xuất.
Đà Nẵng quản lý đất trống UBND TP.Đà Nẵng đã giao cho Sở TN-MT, UBND các quận, huyện tuyên truyền, vận động các chủ đất dọn dẹp vệ sinh, xây tường rào che chắn. Đối với những lô đất qua nhiều lần thông báo mà không thấy hồi âm, vẫn bỏ hoang, thì UBND các quận, huyện “ra tay” cắt cử người dọn dẹp sạch sẽ, sau đó ghi lại chi phí và chuyển đến chủ đất để… truy thu. Ngoài ra, đối với nhiều lô đất lớn, sau nhiều lần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng mà chủ đất vẫn bặt tăm, thì UBND các quận, huyện giao cho cấp phường, xã được xử lý theo mô hình “cho thuê đất” để xây dựng nhà tạm dùng để trồng hoa, cây cảnh, bán cà phê, hay kinh doanh nhỏ và toàn bộ kinh phí cho thuê được cấp phường, xã đưa vào ngân sách sử dụng vào mục đích chung của phường, xã. Để tránh chuyện “kiện tụng” vì cho thuê đất vắng chủ, UBND các phường, xã phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều lần để chủ đất lẫn người có nhu cầu thuê biết rõ nguồn gốc đất đang sử dụng, để có kế hoạch thuê ngắn hạn hay sẵn sàng “dọn bỏ” công trình tạm trên đất khi người sở hữu lô đất thực sự có yêu cầu. Hữu Trà |
Thanh Đông
>> Dòng kênh… rác
>> Rác gây ô nhiễm trong khu dân cư
>> Cấm đổ rác, thì đổ... củi
>> Con số rắc rối
>> Rác ngập kênh
>> Dọn rác dưới kênh
>> Khổ vì bãi rác tự phát
Bình luận (0)