Vẽ “resort” trên giấy
Đầu năm 2008, Khu liên hợp nghỉ dưỡng Conic - Lăng Cô (Công ty Gia Minh Conic làm chủ đầu tư) đã được khởi công rầm rộ. Dự án có diện tích 10ha với tổng số vốn đầu tư 400 tỉ đồng sẽ hoàn thành vào tháng 12.2009. Nhà đầu tư đã vẽ ra một viễn cảnh hoành tráng tại đây với 200 phòng khách sạn, 40 biệt thự đẳng cấp 5 sao, các phòng hội nghị tiêu chuẩn quốc tế và các dịch vụ cao cấp khác. Chưa hết, Công ty Gia Minh Conic còn liên doanh với Công ty Lap An Development - thuộc Tập đoàn kinh doanh địa ốc Nordica Properties (Đan Mạch) - thành lập Công ty đầu tư phát triển Lập An với một dự án hoành tráng nữa là Khu du lịch nghỉ dưỡng - sân golf Lập An tại thị trấn Lăng Cô. Dự án đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cấp giấy chứng nhận đầu tư. Theo đó, khu này có hơn 800 nhà ở gồm biệt thự và căn hộ cao cấp, 2 sân golf 9 lỗ trên tổng diện tích hơn 145ha đất và mặt nước xung quanh bán đảo Lập An, tổng số vốn gần 5.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 12.2011.
|
Trước đó, trong tháng 12.2007, tại thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh (H.Phú Lộc), Công ty CP Hòa Bình đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế cao cấp Le Royal Annam Resort, trên diện tích 7ha với hệ thống 61 nhà nghỉ. Tổng kinh phí đầu tư của dự án là 186 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2010. Ngày 20.12.2007, Công ty CP du lịch sinh thái Lăng Cô đã khởi công dự án Khu du lịch sinh thái biển Everland Resort với quy mô 8ha, bao gồm cụm khách sạn 120 phòng và khu biệt thự nghỉ dưỡng ven biển 37 villa theo tiêu chuẩn 5 sao, tổng mức đầu tư 10 triệu USD, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 6.2010...
Trở lại Chân Mây - Lăng Cô, sau nhiều năm các dự án được khởi công, nhiều dự án vẫn còn là những bãi đất hoang... với những tấm sơ đồ phối cảnh các khu resort “hoàng tráng” rách toạc và bạc thếch!
|
Đề nghị thu hồi 5 dự án
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện các dự án đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2001 - 2010, gồm: 14 dự án được cấp phép trong năm 2007; 10 dự án được cấp phép trong năm 2008; 7 dự án được cấp phép trong năm 2009; 2 dự án được cấp phép trong năm 2010… Quy mô đầu tư trung bình mỗi dự án đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Thừa Thiên - Huế khoảng 760,6 tỉ đồng, tổng số vốn đăng ký của các dự án khoảng 30.296 tỉ đồng, tổng diện tích đất quy hoạch dự án lên đến 1.345ha. Trong số 18 dự án đầu tư đã được giao đất, chỉ có 2 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, 4 dự án mới hoàn thành một phần đưa vào khai thác, 7 dự án thi công dở dang và 5 dự án không triển khai xây dựng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phải xử lý dứt điểm, kể cả việc ra quyết định chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với 5 dự án đã được cấp phép đầu tư, nhưng không triển khai xây dựng: Khu du lịch sinh thái biển Lăng Cô; Khu du lịch nghỉ mát sinh thái biển Diana; Khu biệt thự, du lịch sinh thái Lăng Cô; Khu biệt thự nghỉ dưỡng quốc tế Hoà Bình; Khu liên hiệp nghỉ dưỡng Conic - Lăng Cô.
Giơ cao, đánh khẽ Đó là 3,4 ha đất vàng mà TP Đà Nẵng giao cho Công ty TNHH Daewon (Hàn Quốc) đầu tư từ năm 2007 bị bỏ hoang phế. Dự án này phía chủ đầu tư hô sẽ "mở hầu bao" 30 triệu USD để xây dựng một khu chung cư cao cấp mang tầm quốc tế. Qua nhiều lần mưa bão, những lớp hàng rào dựng tạm che chắn bị ngã đổ, rồi được dựng lên "làm mới" hằng năm... Kế bên là dự án đầu tư rất hoành tráng của Công ty TNHH Krever Hala được cấp 6ha từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư lên đến 200 triệu USD. Kể từ khi được cấp phép, chủ đầu tư cũng đã hứa hẹn "làm thiệt chứ không nói hão" và thực tế là họ đã cất công làm vài trăm mét hàng rào bằng vật liệu... đơn sơ. Nhiều chủ đầu tư các dự án ngay trung tâm thành phố chỉ làm chiếu lệ. Dự án khác nằm ven bờ đông sông Hàn (thuộc Q.Sơn Trà) là Olalani Riverside Towers được cấp gần 8.000m2 cho Công ty CP Mỹ Phúc đầu tư 1.750 tỉ đồng. Dù đã có nhà mẫu, song các hạng mục quan trọng khác thì chủ đầu tư cũng bỏ lơ cho cỏ mọc um tùm. Nếu những dự án nằm ở trung tâm thành phố èo uột một, thì những dự án đầu tư xây dựng khu du lịch ven biển còn thê thảm hơn. Đơn cử, như Công ty CP Hải Duy (TP HCM) đầu tư vào Khu du lịch Bãi Bụt. Giao đất từ năm 2004, đến năm 2008 TP Đà Nẵng đã 2 lần ra công văn dọa thu hồi. Tính ra, kể từ ngày được cấp, đã hơn 7 năm ròng, khu du lịch Bãi Bụt mới thi công dang dở tường rào! Mỗi lần Sở kế hoạch - Đầu TP Đà Nẵng kiểm tra tiến độ các dự án và kiến nghị UBND TP Đà Nẵng ban hành "tối hậu thư" thu hồi đất đã giao thì y rằng sau đó vài ngày, các chủ đầu tư chạy đôn chạy đáo, ầm ầm khởi công, động thổ. Cứ vậy, UBND TP Đà Nẵng "dọa" thì chủ đầu tư cũng tỏ ra sợ sệt, chạy theo làm lấy lệ, rồi thôi. Và hậu quả là đất vàng vẫn bị bỏ hoang... H.T |
Bùi Ngọc Long
Bình luận (0)