Dấu ấn 5 thế hệ lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc

20/10/2017 17:11 GMT+7

Kể từ khi nước CHND Trung Hoa ra đời năm 1949 tới nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc trải qua 5 thế hệ lãnh đạo với nhiều dấu ấn và thành tựu khác nhau.

Thế hệ Mao Trạch Đông
Thế hệ lãnh đạo thứ nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) bắt đầu từ năm 1949 và kéo dài tới năm 1976, với lãnh đạo hạt nhân là Chủ tịch Mao Trạch Đông, người đã cùng các đồng chí khai sinh nước CHND Trung Hoa.
Theo Tân Hoa xã, trong thời kỳ này, CPC đã đưa ra “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, được xem là thành quả trọng đại nhất của quá trình "Trung Quốc hóa" Chủ nghĩa Marx-Lenin và trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của đảng. Các nguyên tắc của "tư tưởng Mao Trạch Đông" xuất phát từ thực tiễn, đảng phải gắn bó với quần chúng và Trung Quốc phải giữ vững độc lập, tự chủ.
Trong giai đoạn này, Chủ tịch Mao Trạch Đông phát động kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ‎(1953-1958) nhằm kết thúc tình trạng lệ thuộc nông nghiệp và đưa Trung Quốc trở thành cường quốc, với sự hỗ trợ của Liên Xô. Đến năm 1958, ông phát động kế hoạch 5 năm lần hai, còn được gọi “Đại nhảy vọt”, với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường trên thế giới, nhưng quá trình thực hiện bị đánh giá là vấp phải nhiều sai lầm. Tiếp theo là sự kiện “Đại cách mạng văn hóa” từ năm ‎1966-1976, gây xáo trộn rộng lớn lên nhiều mặt của cuộc sống chính trị, văn hóa, xã hội ở Trung Quốc.
Dưới thời thế hệ lãnh đạo thứ nhất, Trung Quốc bước đầu xây dựng được nền tảng công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, phát triển vũ khí hạt nhân và vào năm 1971 đã  trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ảnh chân dung của Chủ tịch Mao Trạch Đông tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh Reuters
Thế hệ Đặng Tiểu Bình
Thế hệ lãnh đạo thứ hai của CPC được cho là bắt đầu từ năm 1978, khi ông Đặng Tiểu Bình khôi phục lại tất cả chức vụ trong đảng và chính phủ. Dù không giữ chức vụ nguyên thủ quốc gia hay đứng đầu đảng, ông vẫn được xem là "hạt nhân" của thế hệ lãnh đạo thứ hai. Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình được cho là người đã đưa Trung Quốc vào kỷ nguyên cải cách và mở cửa với xu hướng hòa dịu với phương Tây, tạo tiền đề mang tính nền tảng để kinh tế nước này phát triển ngoạn mục.

Một trong những di sản ông Đặng Tiểu Bình để lại là “Lý luận Đặng Tiểu Bình”, nhấn mạnh vào việc xây dựng và ổn định kinh tế. Kể từ thập niên 1980, lý luận này đã trở thành bài học bắt buộc ở bậc đại học tại Trung Quốc. Ngoài ra, ông còn nổi tiếng với câu nói; "Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng miễn là bắt được chuột". 

Từ năm 1990, ông Đặng Tiểu Bình chính thức thôi mọi chức vụ cuối cùng nhưng vai trò và ảnh hưởng của ông được cho là còn kéo dài đến năm 1992.
Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc AFP
Thế hệ Giang Trạch Dân (1989-2002)
Thế hệ lãnh đạo thứ ba của CPC với lãnh đạo hạt nhân là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân, bắt đầu từ năm 1989 đến năm 2002. Trong thời kỳ này, Trung Quốc uy trì được mức tăng trưởng GDP 8% mỗi năm, đạt được mức tăng trưởng kinh tế trên đầu người cao nhất so với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Năm 1993, ông Giang đưa ra thuật ngữ mới “Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” nhằm chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Đây là một bước tiến lớn nhằm hiện thực hóa chủ trương “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” của ông Đặng Tiểu Bình.
Tư tưởng lãnh đạo mới được phát triển trong giai đoạn này là Thuyết Ba đại diện do Chủ tịch Giang Trạch Dân đề ra với nội dung Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc.
Cũng trong thời kỳ này, Trung Quốc thu hồi Hồng Kông (1997) và Macau (1999), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa hè năm 2008.
Thế hệ Hồ Cẩm Đào (2002-2012)
Thế hệ lãnh đạo thứ tư của CPC kéo dài từ năm 2002 đến năm 2012, với người đứng đầu là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Trong thời kỳ này, Trung Quốc có những thành tựu đáng chú ý như vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, từ năm 2010 và đưa vào biên chế cho hải quân chiếc tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh. Di sản mà ông Hồ Cẩm Đào để lại là học thuyết “Quan điểm phát triển khoa học”, nhằm xây dựng một xã hài hòa, phồn thịnh và không có xung đột.

"Chỉ có cải cách và mở cửa mới có thể phát triển Trung Quốc. Chúng ta không được nao núng và sợ bất kỳ rủi ro nào", Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng phát biểu.

Thế hệ Tập Cận Bình (từ năm 2012)
Thế hệ lãnh đạo thứ 5 của CPC bắt đầu từ năm 2012 với lãnh đạo hạt nhân là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Hiện, Trung Quốc đang nỗ lực để đạt được “2 mục tiêu thế kỷ” và hiện thực hóa "giấc mộng phục hưng dân tộc Trung Hoa” do ông Tập đề xướng. Mục tiêu thứ nhất là xây dựng xã hội khá giả trước đợt kỷ niệm 100 năm thành lập CPC vào năm 2021. Thứ hai là xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, cường thịnh, dân chủ, văn minh và hài hòa trước năm 2049, mốc đánh dấu 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa.
Từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc vẫn giữ vị thế với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đã đạt được một số thành tựu về đối nội. Trong đó, thu hút rất nhiều sự chú ý là chiến dịch chống tham nhũng quy mô sâu rộng được gọi là "đả hổ diệt ruồi" do ông Tập khởi xướng.
Trong diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của CPC hôm 18.10, Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập cụm từ “kỷ nguyên mới” tổng cộng 36 lần. Ông vạch ra kế hoạch phát triển gồm 2 giai đoạn 2020-2035 và 2035-2050 để đưa Trung Quốc lên tầm “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, phồn vinh và tươi đẹp” và trở thành “cường quốc hàng đầu thế giới”.
Cùng ngày, theo Tân Hoa xã, CPC thông báo tạo lập "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới". “Tư tưởng quan trọng này đại diện cho thành tựu mới nhất trong việc áp dụng Chủ nghĩa Marx đối với bối cảnh Trung Quốc và là một phần quan trọng của hệ thống các học thuyết chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Du Chính Thanh nhấn mạnh. Hiện chưa rõ tư tưởng mới này có được đưa vào điều lệ Đảng hay không hoặc nếu có thì với tên gọi như thế nào. Nếu "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới" được đưa vào điều lệ Đảng trong kỳ đại hội kết thúc vào ngày 24.10, điều này có nghĩa vị thế của ông Tập sẽ được nâng lên ngang hàng với các nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Trong những học thuyết được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trước đây, chỉ mới có “Tư tưởng Mao Trạch Đông” và “Lý luận Đặng Tiểu Bình” là gắn liền với danh tính chủ nhân.
Giáo sư về lịch sử Trung Quốc hiện đại Jeff Wasserstrom thuộc Đại học California, Irvine (Mỹ) cho hay các sử gia phương Tây thường đề cập 2 giai đoạn quan trọng trong lịch sử hậu cách mạng của Trung Quốc. Đó là thời đại Mao Trạch Đông (1949-1976) và thời đại Cải cách (từ năm 1979 trở về sau). Ông Wasserstrom nhận định đã đến lúc nhìn nhận Trung Quốc đang trải qua “kỷ nguyên Tập Cận Bình”, theo tờ The Guardian.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.