Cho đến trước khi thông báo từ chức vào tháng 8.2020, ông Abe đã là thủ tướng có thời gian nắm quyền lâu nhất Nhật Bản và cũng là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất nước này thời hậu chiến.
Ông Abe (hàng dưới, thứ 4 từ phải) trong hình tập thể các nhà lãnh đạo tại sự kiện APEC 2017 ở Việt Nam |
Báo điện tử chính phủ |
Năm 2015, quốc hội Nhật Bản thông qua một loạt đạo luật mang tính lịch sử cho phép Lực lượng Phòng vệ (SDF) chiến đấu ở nước ngoài cùng với quân đội các đồng minh trên danh nghĩa “tự vệ tập thể”. Đó là thay đổi quan trọng nhất trong chính sách quốc phòng của Tokyo kể từ Thế chiến 2 và cũng là chiến thắng cho ông Abe. Ông còn để lại dấu ấn với chính sách kinh tế Abenomics, với chiến lược “ba mũi tên”, bao gồm nới lỏng tiền tệ, tăng chi tiêu công và cải cách kinh tế. Sự kết hợp này đã mang lại kết quả trong những năm đầu nhiệm kỳ của ông Abe, song tăng trưởng sau đó đã bị ảnh hưởng do xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung cũng như Covid-19.
Lãnh đạo, người dân Nhật Bản bàng hoàng trước tin cựu Thủ tướng Abe qua đời |
Về đối ngoại, việc theo đuổi đường lối ngoại giao thực dụng khôn khéo đã góp phần đưa tầm vóc của ông Abe trên trường quốc tế vươn đến một tầm cao mà ít có thủ tướng Nhật nào trước đây đạt được. Một trong những dấu ấn quan trọng là nỗ lực của ông Abe trong việc củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ.
Chính quyền ông Abe cũng đã thông qua một loạt luật thúc đẩy các chính sách an ninh cũng như quảng bá tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, khái niệm mà các quốc gia khác bao gồm Mỹ đã đón nhận. Ông cũng là người đi đầu “cứu sống” Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút để hình thành nên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông Abe cũng góp phần hồi sinh nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) mà hiện nay đã trở thành một trong những kiến trúc quan trọng của an ninh khu vực.
Nhìn lại sự nghiệp chính trị của cố Thủ tướng Nhật Shinzo Abe |
Hình thành mối quan hệ bền chặt với Mỹ, Úc và Ấn Độ
Cố Thủ tướng Abe Shinzo được biết đến là một chính trị gia bảo thủ ủng hộ việc thay đổi điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản vốn giới hạn hoạt động của lực lượng phòng vệ nước này. Là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất ở Nhật Bản, di sản của ông gắn liền với chính sách ngoại giao chủ động đưa nước này trở lại bản đồ địa chính trị, hình thành mối quan hệ bền chặt với Mỹ, Ấn Độ, Úc và châu Âu dựa trên tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở mang đặc trưng của ông. Trong nhiệm kỳ của ông, Nhật Bản được biết đến với chính sách ngoại giao đa hướng và đầu tư nguồn lực đáng kể vào Đông Nam Á, Ấn Độ và các tổ chức như “bộ tứ an ninh” (gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ). Về đối nội, ông đã cố gắng phục hồi nền kinh tế Nhật Bản.
PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật)
Đưa chủ nghĩa hiện thực vào chính sách an ninh
Cố thủ tướng Abe Shinzo đã đưa chủ nghĩa hiện thực vào chính sách an ninh và đối ngoại của Nhật Bản. Ông đã tập hợp những thành tựu của các lãnh đạo tiền nhiệm thành một chiến lược phòng thủ tập thể toàn diện và tận dụng phạm vi cũng như nhiệm vụ được mở rộng cho SDF. Ông đã đạt được một phần ra quyết định tập trung hơn, nhằm thực hiện các cải cách trong chính sách quốc phòng và an ninh, cũng như các chính sách đối nội khác. Tuy nhiên, việc ông vẫn phụ thuộc vào hệ thống tư vấn điều hành ít được thể chế hóa khiến cải cách quản trị mới chưa vẹn toàn.
GS Sato Yoichiro (Chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản)
Hoàng Đình
(thực hiện)
Bình luận (0)