Lần đầu tiên phóng viên thời báo The New York Times (Mỹ) đến Việt Nam đưa tin về cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2016. Đó là sự kiện hiếm có với ẩm thực Việt Nam và thế giới. Và Chiếc Thìa Vàng lần nữa xứng danh “Oscar ẩm thực Việt Nam”.
Sau hơn 5 tháng tranh tài của 312 đầu bếp thuộc 104 đơn vị đến từ hơn 30 tỉnh/thành cả nước, hơn 600 món ngon đã được giới thiệu, Chiếc Thìa Vàng 2016 với sự lên ngôi của Đội 16 Khu du lịch Bình Quới 1 (TP.HCM) giành cúp Đầu bếp danh giá cùng phần thưởng trị giá 1 tỉ đồng, mở ra cơ hội nghề nghiệp sáng lạn.
Chiếc thìa đầy nước mắt, nụ cười và giọng ca ngọt ngào
Thực đơn với các món tên gọi rất cảm xúc của Đội thi Quán 79 Gia Bảo (Kon Tum) tại vòng chung kết Chiếc Thìa Vàng 2016 đã gây chú ý cho các giám khảo: Vị đắng trong đời; Bếp yêu thương; Ước mơ, Tình đồng đội. Đội thi Quán 79 Gia Bảo còn được nhiều người gọi là: “Bộ 3 hoàn cảnh” với nhiều trắc trở, mất mác ở tuổi thơ, gia đình nên thực đơn của đội cũng chan chứa nước mắt và tình cảm.
Ở phần thuyết trình, Đầu bếp đội trưởng Nguyễn Đức Hoàng đã không giấu được cảm xúc. Đức Hoàng cho biết tên gọi các món ăn lấy ý tưởng và chất xúc tác từ chính “3 anh em” trong đội, mỗi thành viên một hoàn cảnh. Đặc biệt, “Đầu bếp phụ Nguyễn Quang Thanh vốn là trẻ sống ở trại mồ côi, đi bán hàng rong. Trong nhiều lần Thanh vào quán em bán hàng, thấy tội và đồng cảm nên em nhận Thanh vào làm phụ bếp, cho học nghề. Đến nay Thanh đã tự đứng và sống được với nghề bếp, ra làm bếp chính cho một nhà hàng nhỏ ở Kon Tum. Trường hợp của đồng đội khác là Quang Huy cũng bi đát. Cha bất ngờ bị bệnh nằm một chỗ, nhà anh em đông chỉ mình mẹ gồng ghánh nên Huy xin vào làm bếp kiếm tiền phụ mẹ, em chỉ nghề cho Huy, hiện là bếp phó của một nhà hàng nhỏ”, đội trưởng Đức Hoàng kể về 2 đồng đội với giọng trìu mến và ấm áp.
|
Đội 01 Quán Nhi (Cần Thơ) còn được gọi vui là “đội 3 mẹ con”, trong đó gồm mẹ, con gái, con dâu. Giám khảo Bùi Thị Minh Thủy – Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng vượt qua chuyện mẹ chồng nàng dâu, rồi “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” nhưng cả 3 đã đồng lòng, chung tay đi đến trận chung kết cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2016 là điều rất đáng ngưỡng mộ. Đặc biệt, Chiếc Thìa Vàng đến nay trải qua 4 mùa thi thì “đội 3 mẹ con” này tham gia đủ cả 4 mùa và cứ mùa sau lại có thành tích tốt hơn mùa trước. Không chỉ vậy, “bà mẹ” cũng là đội trưởng Phan Thị Hồng Nhi là đầu bếp có tâm hồn yêu âm nhạc truyền thống, đã nhiều lần thể hiện những trích đoạn cải lương ngọt ngào mùi mẫn tặng giám khảo và quan khách. Và hình ảnh 3 mẹ con đầu bếp Hồng Nhi nắm tay nhau lên nhận giải nhì chung cuộc là một khoảnh khắc ấn tượng với những ai yêu mến cuộc thi này.
Ở vòng chung kết, khi các đầu bếp xếp hàng ngay ngắn, căng thẳng chờ hiệu lệnh để chính thức thi đấu, bỗng đâu từ trên khán đài giọng Huế ngọt lịm của bé trai cứ lanh lảnh vang lên: “Ba ơi cố lên! Ba ơi cố lên”. Tiếp đến, cổ động viên đội Quán Nhi (Cần Thơ) đã khuấy đảo và tạo nên tiếng cười tươi vui, rộn rã cho khán đài, cho đấu trường thêm màu sắc. Phải chăng, vì động lực đặc biệt từ khán đài nên cả đội Quán Nhi và đội Khách sạn Indochine Palace đều đạt giải nhì chung cuộc với phần thưởng trị giá 100 triệu đồng/đội.
|
Cơ hội du học hiếm có cho những đầu bếp… hét ra lửa
Á hậu Vũ Hoàng My – Giám khảo khách mời và đại sứ Chiếc Thìa Vàng 2016 ví von cuộc thi ẩm thực danh tiếng này là… Sân khấu của người hét ra lửa!. “Các anh ấy là những người đàn ông hét ra lửa… trong gian bếp của họ. Và trong gian bếp, họ là vua bởi sự sáng tạo vô tận. Nhưng đến với cuộc thi Chiếc Thìa Vàng những người đàn ông hét ra lửa ấy bỗng trở nên ngoan hiền, rụt rè như quay lại trường học, sợ bị giám khảo phán xét khen chê, sợ mình thua kém đồng nghiệp đội khác”, Á hậu Hoàng My nhận xét.
Ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Minh Long I, Phó Ban tổ chức cho rằng, Ban tổ chức đã đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức và tâm huyết cho cuộc thi. Ban tổ chức cũng đã cố gắng hết sức để mời được những giám khảo uy tín trong và ngoài nước, đặc biệt giám khảo - đầu bếp thế kỉ Ông Eckart Witzigman. Một điều đặc biệt nữa, Chiếc thìa vàng năm nay còn có sự xuất hiện của phóng viên tờ New York Times và cũng lần đầu tiên hình ảnh cuộc thi và ẩm thực Việt được lên tờ báo Mỹ uy tín này.
Có thể kể đến đội Quán 79 Gia Bảo nhỏ xíu chỉ ở miền sơn cước Kom Tum với sức chứa chỉ khoảng 100 thực khách đã tạo nên cơn chấn địa khi vượt qua hàng trăm đội có đẳng cấp ở các thành phố lớn để vào đến trận chung kết Chiếc Thìa Vàng 2016 danh giá là hành trình “du học” thắng lợi của “bộ 3 hoàn cảnh” phố núi. Hoặc đội 16 KDL Bình Quới với Đội trưởng Lê Võ Anh Duy và đồng đội đã giành giải nhất chung cuộc Chiếc Thìa Vàng 2016 sau 3 trận chung kết trước ra về trắng tay cho thấy tinh thần ham học hỏi, “bại không nản” của những đầu bếp tài năng này. Cùng với Quán Nhi; Nhà hàng tiệc cưới Thắng Lợi 1 (An Giang)…, sau mỗi mùa thi họ lại trưởng thành hơn, dạn dày kinh nghiệm hơn và đi sâu vào vòng trong cuộc thi, là kết quả thu hoạch được từ việc “du học” mà trường học này mang tên Chiếc thìa vàng.
|
Nâng tầm chiếc thìa vàng và ẩm thực Việt
Theo một giám khảo, với tầm cỡ “đầu bếp thế kỉ” Eckart Witzigmann và báo The New York Times không phải có tiền là mời họ được. Vì thế, có thể coi Chiếc Thìa Vàng 2016 là sự kiện hiếm có với ẩm thực Việt Nam và thế giới.
Phát biểu tại lễ Trao giải chung kết cuộc thi, đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đưa ra những con số ấn tượng về lượng du khách quốc tế đến nước ta năm nay, trong đó vị này khẳng định chính Chiếc Thìa Vàng đã góp phần quảng bá ẩm thực, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, qua đó góp công vào việc thu hút du khách đến với Việt Nam.
Tuy vậy, ông Lý Huy Sáng tỏ ra tiếc nuối vì lượng thí sinh tham gia chưa như kỳ vọng. Dù thông báo năm 2017 cuộc thi này tạm ngưng nhưng ông Sáng đã tiết lộ nhiều kế hoạch quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới, trong đó, việc tìm kiếm cơ hội cho các đầu bếp lên ngôi tại Chiếc thìa vàng tranh tài tại các cuộc thi ẩm thực khu vực và thế giới, Hội nghị APEC 2017 cho thấy nỗ lực và khát vọng của ban tổ chức trong việc nâng tầm ẩm thực Việt.
Bình luận (0)