Dấu ấn cuộc đời: Làm trợ lý Tư lệnh chiến dịch hướng biên giới Campuchia- Thái Lan

23/02/2022 17:39 GMT+7

Tình hình Campuchia trên hướng Mặt trận 979, khu vực biên giới (gồm các tỉnh Bátđomboong, Pursat, Kôkông) rất phức tạp. Từ cuối năm 1983, tập đoàn phản động Pôn Pốt tiếp tục đẩy mạnh chủ trương tiến hành cuộc chiến tranh du kích lâu dài để đạt mục tiêu, lập thế “hai vùng, hai lực lượng, hai chính quyền”, tạo thời cơ để tổng phản công chiến lược giành thắng lợi quyết định vào những năm 1984 - 1985.

Chỉ thị của địch nêu rõ: “… về quân sự đánh bại Việt Nam ở phum xã, về chính trị là giải tán chính quyền của Hêng Som Rin, thành lập chính quyền Campuchia dân chủ…”. Trong những giải pháp cụ thể, Pôn Pốt tập trung: bám trụ địa bàn nội địa, cài cắm tổ chức lực lượng ngầm phối hợp đánh nhỏ lẻ, tập kích, phục kích, đánh phá giao thông kể cả đường xe hơi, xe lửa trên những khu vực trọng điểm. Ở biên giới, chúng ra sức xây dựng các đơn vị chủ lực như sư đoàn 164 ở Kôkông, sư đoàn 111 ở Cácđamôn, sư đoàn 221 ở Chamcachrâu, sư đoàn 86 ở Sóc San, sư đoàn 175 ở Ô đa, sư đoàn 415 ở Pailin và Son San tổ chức quân khu nam Sêrâyka ở Sóc San.

Tại sở chỉ huy chiến dịch, mùa khô 1984-1985. Từ phải sang: Lưu Phước Lượng (thứ 1) và Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Thới Bưng (thứ 3)

ẢNH; tư liệu của tác giả

Những đơn vị chủ lực này đứng chân trên các căn cứ dọc theo tuyến biên giới Campuchia - Thái Lan, thuộc các tỉnh Bátđomboong, Pursat và Kôkông, cùng nhiều cửa khẩu để tiếp nhận vũ khí, đạn dược và vận chuyển vào nội địa, trong đó có những cửa khẩu rất quan trọng như cửa khẩu 301 khu vực Tàsanh, Tứcsóc, Mung, Pursat; cửa khẩu 401 Chamcachrâu, Cravanh, cửa khẩu vào khu vực đường 56… Để chuẩn bị cho những trận đánh tập trung quy mô lớn, chúng bắt đầu trang bị vũ khí mới. Trong đó đáng chú ý: pháo nòng dài 85 ly, cao xạ 37 ly cả xe tăng, xe thiết giáp, tuy không nhiều, nhưng đây là cái mới, cần đặc biệt quan tâm trong thời điểm bấy giờ.

Trước diễn biến tình hình trên, Quân khu chủ trương điều chỉnh lực lượng, đưa một bộ phận chủ lực của Quân khu gồm Sư đoàn 330 cùng một số đơn vị quân binh chủng lên tuyến biên giới thuộc tỉnh Bátđomboong. Tập trung truy quét, và đưa lực lượng bạn cùng bảo vệ và đánh địch, chiếm giữ các căn cứ và cửa khẩu, cắt đứt hành lang tiếp tế của địch từ biên giới, không cho chúng dùng phương tiện, tổ chức những đoàn vận chuyển lớn vũ khí, đồ dùng quân sự vào nội địa.

Trước tình hình và nhiệm vụ nêu trên, đồng chí Nguyễn Thới Bưng, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu, được trên giao nhiệm vụ phối hợp cùng Tư lệnh Mặt trận 979 trực tiếp chỉ huy chiến dịch biên giới thuộc phạm vi hai tỉnh Bátđomboong và Pursat dưới sự chỉ huy thống nhất của Tư lệnh Quân khu. Nhận nhiệm vụ xong, đồng chí gọi tôi và trao đổi kỹ tình hình, từ âm mưu, ý đồ chung của địch đến tình hình cụ thể của địch - ta và bạn trên hướng biên giới Campuchia - Thái Lan. Trọng điểm là khu vục Bátđomboong và Pursat. Đồng thời thông báo với tôi, đã báo cáo Tư lệnh Quân khu chọn tôi làm trợ lý cho Tư lệnh chiến dịch, chỉ thị tôi chuẩn bị một số công việc cần thiết trước mắt.

Vài ngày sau, tôi lên đường sang Campuchia đến Sở chỉ huy Sư đoàn 330, lúc bấy giờ đang triển khai ở cua chữ V (đường 10), gần biên giới Campuchia, Thái Lan thuộc tỉnh Bátđomboong. Trước đó tôi cũng thường xuyên sang Mặt trận 979, làm việc với cơ quan và đơn vị thuộc Bộ Tham mưu. Nhưng lần này, không hạn định thời gian và đứng chân ngay trên tuyến biên giới, một vùng rừng núi vô cùng khắc nghiệt.

Địa bàn Bátđomboong

Bátđomboong là địa bàn hoạt động trọng điểm đầu mùa khô năm 1983 - 1984 của Quân tình nguyện Việt Nam, lực lượng cách mạng Campuchia trên hướng Mặt trận 979. Chủ trương chung của ta và bạn tập trung đánh chiếm và triệt phá các căn cứ dọc biên giới, các cửa khẩu và hành lang xâm nhập vào nội địa của Pôn Pốt và Sêrâyka.

Tại sở chỉ huy Sư đoàn 196 - Campuchia, Bátđomboong mùa khô 1983-1984. Từ trái sang: Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Thới Bưng (thứ 1), Lưu Phước Lượng (thứ 3), cán bộ Sư đoàn 196 của bạn (thứ 4, từ trái sang)

ẢNH: TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

Tại Bátđomboong, Quân tình nguyện Việt Nam, chủ yếu là Sư đoàn 330 cùng các đơn vị binh chủng của Quân khu phối hợp cùng Sư đoàn 196 của bạn triển khai đánh địch trên hai khu vực: Một, là Tây Nam An Đông, cửa khẩu 301; Hai, là khu vực Sóc San. Nhìn chung, trên trận tuyến biên giới của tỉnh Bátđomboong, địch rút chạy về cửa khẩu 301 và sang bên kia biên giới. Ta đã làm chủ một vùng biên giới rộng lớn, chiếm nhiều căn cứ cấp trung đoàn của Pôn Pốt, một căn cứ cấ p quân khu của Sêrâyka.

Chiếm lĩnh xong các căn cứ của địch, đồng chí Tư lệnh chiến dịch cùng cơ quan tham mưu trực tiếp đi khảo sát và nghiên cứu cách phòng thủ căn cứ của địch. Trọng điểm khảo sát là Sở chỉ huy Trung đoàn 83 Pôn Pốt ở cao điểm 343 và Sở chỉ huy Quân khu Nam Sêrâyka. Đây là cơ sở ban đầu cho việc huấn luyện bộ đội và tổ chức chiến đấ u sắp tới. Sau đợt hoạt động này, lực lượng chủ yếu của Quân khu ra đứng chân trên khu vực đường 10 (Pailin). Trung đoàn 2 (Sư đoàn 330), một bộ phận Lữ đoàn 92 của bạn, tiếp tục chốt giữ biên giới từ Xăm Lốt đến cửa khẩu 301, Piêm Ta giáp ranh với Sư đoàn 339 ở hướng Pursat.

Để đáp ứng yêu cầu tác chiến sắp tới, theo chỉ đạo của Tư lệnh Quân khu, đồng chí Nguyễn Thới Bưng trực tiếp chỉ huy cuộc diễn tập: Trung đoàn bộ binh vận động tiến công địch ở địa hình rừng núi, đánh chiếm cao điểm, hiệp đồng với các binh chủng, có bắn đạn thật. Cuộc diễn tập được đánh giá là đạt kết quả tốt. Có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bạn. Xoay quanh cuộc diễn tập này, có nhiều ý kiến khác nhau. Trong trao đổi và tâm sự riêng với tôi, đồng chí Tư lệnh chiến dịch thổ lộ rằng “ông Sáu” (đồng chí Lê Đức Anh) không đồng tình với cuộc diễn tập này, ông nói: “Đánh cách này không thành công đâu!”. (còn tiếp)

(Trích Dấu ấn cuộc đời, NXB Quân đội Nhân dân)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.