Dấu ấn cuộc đời: Nỗi đau trẻ thơ thời chiến

03/02/2022 18:55 GMT+7

Cách đây 2 năm, hồi ức Dấu ấn cuộc đời của trung tướng Lưu Phước Lượng lưu lại “những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong cuộc đời” ông được NXB Quân đội Nhân dân cho ra mắt đã nhận được sự quan tâm lớn của độc giả. Cuốn hồi ức sắp được tải bản, có thêm phần bổ sung của tác giả. Thanh Niên xin trân trọng giới thiệu một số nội dung trong cuốn sách.

Tôi sinh ra trên đất Thủ - (Thủ Dầu Một), sau này được gọi là Bình Dương, bên dòng sông nổi tiếng - sông Sài Gòn.

Ngoại tôi, một con người mà tôi vô cùng yêu quý, trong tất cả các cháu, có lẽ tôi là người được bà yêu thương nhất vì dáng người nhỏ yếu, hay đau bệnh, thường bị ngất xỉu khi sợ hãi một việc gì. Nhưng trong sâu thẳm sau này tôi mới hiểu, tình cảm của ngoại dành cho anh chị em tôi, bắt nguồn từ sự yêu thương của bà với đám cháu nhỏ đang thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc dạy dỗ của người cha.

Cha tôi đi tập kết ở miền Bắc, sáu anh chị em tôi sống với mẹ và ngoại trong sự khó khăn bộn bề, lam lũ, bươn chải trong cuộc sống bằng nghề làm bánh, bán bưng. Quê chính của ngoại ở xã Tương Bình Hiệp, thuộc huyện Bến Cát ngày nay. Hằng năm, anh chị em tôi cũng được ngoại cho về quê chơi một vài lần. Và tôi cũng được ngoại cho đi nhiều nhất. Tôi nhớ, năm tôi học ở trường Minh Tâm, ngoại về quê làm đám giỗ, vì đang đi học, ngoại không cho tôi đi, tôi nài nỉ, khóc lóc mãi cuối cùng bà cũng xuôi lòng, cho tôi nghỉ học một ngày và đi cùng bà.

Được tin cha

Một ngày nắng nóng mùa hè năm 1961, có một người phụ nữ ẵm một em bé từ nhà má Ba (chị ruột của mẹ tôi) đi cùng chị Hà đến nhà tôi với vẻ mặt khá căng thẳng, gặp mẹ và nói rằng: “Có phải chị là chị Tư - má của cháu Hải, Hà không?”. Cùng lúc dì đưa luôn tấm ảnh cậu Sáu (em của mẹ cũng đi tập kết) và một bức thư.

Lưu Phước Lượng (hàng cuối) bên cạnh Đại tướng Lê Đức Anh- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (giữa) khi Đại tướng đến thăm và làm việc tại Sư đoàn 5- Quân khu 7

ẢNH: TƯ LIỆU TỪ SÁCH

Mẹ vừa mừng vừa ngỡ ngàng, chị em tôi mừng đến mức ngơ ngác vì sự việc quá bất ngờ, nhưng điều ấn tượng nhất của chúng tôi là giờ đây mình cũng có cha như bao nhiêu người khác. Đây là sự thăng hoa giải tỏa nỗi đau canh cánh của chị em tôi về sự thiếu vắng của cha.

Sau lần ấy, tôi và chị Hà được vào chiến khu thăm ba lần đầu tiên. Làm sao kể hết nỗi xúc động này! Chị Hà kể chuyện nhiều vì khi ba đi tập kết chị đã lớn và có tiễn ba đi, còn tôi thì quá nhỏ không biết gì. Sau đó đến lượt má vào thăm ba và kết quả là Út Thành ra đời. Vậy là trong gia đình tôi có thêm một thành viên nữa - Lưu Phước Thành, cái tên gắn với chiến thắng Phước Thành, tỉnh lỵ đầu tiên của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam bị Quân giải phóng tiến công và tiêu diệt. Với vai trò là Tỉnh đội trưởng tỉnh Phước Thành, ba đã có sự đóng góp xứng đáng vào chiến thắng này.

Giọt nước mắt âm thầm của má

Sau này, mẹ tôi thường nói: “Má cũng như bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam khác, má cũng lấy chồng, có con và tham gia hoạt động cách mạng trong thời đất nước có chiến tranh - và má cũng sẽ chẳng có gì để nói, nếu như cuộc đời của má không gắn liền với gia đình, mà chồng và tất cả các con đều là chiến sĩ Quân giải phóng, là quân nhân, đều nỗ lực phấn đấu và trưởng thành trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”.

Hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Xuân trong hồi ức Dấu ấn cuộc đời

Sống trong vùng tạm chiếm suốt cả hai cuộc chiến tranh, lần lượt tiễn chồng và các con vào chiến khu đánh giặc, làm cơ sở cho cách mạng, má đã trải qua những khó khăn thử thách vô cùng nghiệt ngã để cả nhà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về nguyên vẹn trong niềm hạnh phúc lớn lao… Đó chính là điều mẹ tôi nói, và cũng là khái quát đặc sắc nhất về cuộc đời của bà.

Bà lại nói: “Mỗi lần ra đi của các con, lòng má quặn đau, tim như loạn nhịp, ngực khó thở vì những núm ruột mang nặng đẻ đau, nuôi nấng khổ cực đã cùng mẹ một thời sống dưới vùng kềm kẹp, o ép, kiểm soát gắt gao của công an cảnh sát địch trong vùng tạm chiếm…”. Có lần tôi hỏi: - Má à, lúc còn chiến tranh, khi má tiễn các con theo ba sao không thấy má khóc? Má nói rằng: - Má âm thầm khóc một mình! (còn tiếp)

Trong suốt quãng đời 50 năm phục vụ cách mạng, Trung tướng Lưu Phước Lượng từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng: Trợ lý cho Tư lệnh chiến dịch tại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Nguyễn Thới Bưng; Phó sư đoàn trưởng về chính trị (Chính ủy) Sư đoàn 5 - Quân khu 7; Phó tư lệnh về chính trị (Chính ủy) Quân đoàn 4, Bí thư Đảng ủy - Chính ủy Quân khu 9…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.