Dấu ấn cuộc đời (NXB Quân đội Nhân dân mới ấn hành) là những trang hồi ức sinh động, nhiều cảm xúc của trung tướng Lưu Phước Lượng, lưu lại “những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong cuộc đời” ông, qua đó ta thấy hiện lên cả một giai đoạn lịch sử thăng trầm của dân tộc.
“Gần 70 tuổi đời, 48 tuổi quân và 50 tuổi Đảng, tôi nghĩ đây là thời điểm chín muồi để ghi lại những câu chuyện ấy…, cả trong chiến đấu của thời chiến tranh ác liệt, gian khổ và hy sinh cũng như cuộc sống an bình trong môi trường xã hội nhiều biến động như hiện nay”, trung tướng cho biết.
Trong suốt quãng đời phục vụ cách mạng, ông từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng: Trợ lý cho Tư lệnh chiến dịch tại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Nguyễn Thới Bưng; Phó sư đoàn trưởng về chính trị (Chính ủy) Sư đoàn 5 - Quân khu 7; Phó tư lệnh về chính trị (Chính ủy) Quân đoàn 4, Bí thư Đảng ủy - Chính ủy Quân khu 9…
Ấn tượng từ sự chân thực và giản dị
Thật thú vị khi biết cuốn sách dày hơn 200 trang này do một vị tướng tự tay soạn thảo chứ không nhờ đến một người viết chuyên nghiệp chấp bút. Dấu ấn cuộc đời kết cấu theo trình tự thời gian, và văn phong của tác giả cũng rất giản dị, trong sáng. Điều lôi cuốn người đọc chính là sự chân thực của sự kiện và cảm xúc được trình bày một cách mạch lạc.
|
Lưu Phước Lượng kể về thời thơ ấu ở thị trấn nhỏ ven sông trên vùng đất Thủ Dầu Một. Ông cũng học hành, chơi đùa như bao đứa trẻ khác, nhưng luôn “canh cánh trong lòng” nỗi đau về sự thiếu vắng cha. Nỗi đau này mãi về sau mới được giải tỏa, và ông đã được vào chiến khu thăm cha mình.
Những trang viết về những năm tháng thử thách và trưởng thành của tác giả dày đặc mưa bom bão đạn. Dấu ấn sâu sắc nhất trong cuộc đời Lưu Phước Lượng, và cũng là những trang ấn tượng nhất cuốn sách, là việc ông cùng Trung đoàn Quyết Thắng (tiền thân của Trung đoàn Gia Định thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM) tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường Sài Gòn.
Có những giai đoạn và địa điểm hết sức ác liệt, “ta và địch giao tranh quyết liệt trong thành phố, giành đi chiếm lại từng căn nhà, từng khu phố”. Khốc liệt đến mức Sở chỉ huy trung đoàn, vào tháng 5 năm 1968, đặt tại… con mương, trên có một tấm ván dày, phủ một ít đất. “Suốt ngày, súng cối địch bắn rải rác xung quanh. Đến chiều tối, nước dâng tới cổ, lúc này địch dồn dập pháo kích dữ dội vào sở chỉ huy”… Lưu Phước Lượng đã phải tự tay mai táng cả trung đoàn trưởng và chính ủy trung đoàn.
Thời điểm sinh tử cận kề, khi mà các đơn vị bạn trên các hướng đã rút khỏi thành phố. Bộ phận chiến đấu của trung đoàn đã hoàn toàn bị cắt đứt với phía sau, không tiếp tế được đạn dược, không vận chuyển được thương binh. Trước tình hình đó, tư lệnh phân khu lệnh cho chỉ huy trung đoàn lập kế hoạch lui quân khỏi thành phố.
|
Nhưng đã quá muộn. Trung đoàn phó đã đầu hàng địch và khai báo toàn bộ kế hoạch rút quân của quân ta… Lưu Phước Lượng chính là một trong những chiến sĩ đã may mắn được người dân che chở, thoát chết trở về tiếp tục chiến đấu, và kể lại những tháng ngày vừa hào hùng, vừa đau thương ấy.
Dấu ấn cuộc đời còn ghi dấu ấn nhiều vị lãnh đạo đã có ảnh hưởng lớn đến tư duy, lối sống, lý tưởng của tác giả. Đó là câu chuyện thể hiện tài năng quân sự của Đại tướng Lê Đức Anh khi ông chỉ đạo kế hoạch mùa khô 1984 - 1985 trên chiến trường Campuchia dẫn tới thắng lợi; hay câu nói ngắn gọn của đồng chí Võ Văn Kiệt - nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương tại TP.HCM vào năm 2007, khi ta đang ngăn chặn các tổ chức phản động: “Sao bắt và tạm giữ nhiều quá! Có cách nào hạn chế được không?”. Đó thực sự là những phác họa ngắn gọn mà sắc nét.
Những câu chuyện đời thường
Xen kẽ những trang viết đầy khói bom lửa đạn ở nhiều chiến trường khác nhau mà tác giả đã trải qua (Sài Gòn, biên giới phía Bắc, chiến trường Campuchia...), cùng hành trình vươn lên, học hỏi không ngừng của tác giả còn là những câu chuyện nhỏ đời thường, về tình yêu, tình cảm gia đình, tình đồng đội, đồng chí của ông.
Trong cuốn sách của mình, Lưu Phước Lượng đã gửi lời tri ân đến rất nhiều người đã dìu dắt, giúp đỡ ông trong suốt bước đường cách mạng của mình, trong đó ông đặc biệt tri ân gia đình má Hai Cây Thị - Huỳnh Thị Gần, những người đã bảo vệ và che giấu các chiến sĩ Trung đoàn Quyết Thắng năm 1968.
Lưu Phước Lượng đặc biệt trân trọng khi nhắc tới Mạc Phương Minh, mối tình đầu thuở hoa niên và cũng là người vợ thủy chung đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi, vượt qua bao khó khăn để đi bên nhau tới lúc đầu bạc. Ông thật lãng mạn, đắm say khi viết về mối tình ấy: “Hơn một giờ trò chuyện, chúng tôi chia tay, khi nắm tay tôi bất ngờ ôm và hôn vào má Phương Minh, không có một sự phản ứng nào cả. Cái hôn ấy đã đi với tôi gần cả cuộc đời suốt hơn 40 năm, mà sao vẫn nóng bỏng như ngày nào…”.
Hiện tại, Lưu Phước Lượng vẫn quan niệm “cần phát huy những mối quan hệ xã hội tốt đẹp, làm phong phú cuộc sống thường ngày và làm cho quá trình lão hóa chậm lại. Đó là cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe khi bước vào tuổi già”, cho thấy tinh thần lạc quan, trẻ trung của người lính trong ông.
Bình luận