Tại khu vực, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước ASEAN tiếp tục được tăng cường. Một loạt các kết quả quan trọng đã đạt được thông qua nhiều chuyến thăm cấp cao, như chuyến thăm chính thức Singapore của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (9.2012), trong đó hai nước nhất trí thúc đẩy hợp tác và lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013; chuyến thăm chính thức Brunei và Myanmar (27.11-1.12) của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Việt Nam cũng đã tiếp đón Tổng thống Myanmar (20-21.3), Tổng thống Singapore (23-27.4). Cuối tháng 10.2012, Việt Nam và Thái Lan tiến hành cuộc họp nội các chung sau 8 năm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã nhất trí phấn đấu nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược trong thời gian tới.
|
Năm 2012 cũng là năm Đoàn kết - Hữu nghị Việt - Lào và năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Với Lào, hoạt động trao đổi đoàn cấp cao diễn ra khá mạnh, trong đó nổi bật là đoàn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2.2012), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (7.2012) thăm hữu nghị chính thức Lào và các đoàn Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Lào thăm nước ta. Việt Nam cũng chủ động thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và tăng cường hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương với Campuchia.
|
Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hoàn thành tài liệu quan điểm của ASEAN về các thành tố của Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC), thống nhất phương thức sử dụng văn bản này làm cơ sở để ASEAN trao đổi với Trung Quốc về nội dung COC. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, ứng viên do Việt Nam giới thiệu đã đảm nhiệm vai trò Tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017.
Quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược chủ chốt tiếp tục được thúc đẩy theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu và bền vững. Với Nga, hai bên đã nhất trí đưa quan hệ hợp tác lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện” trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7.2012). Việt Nam cũng đã đón Thủ tướng Nga Medvedev thăm chính thức vào tháng 11.2012. Trước đó, vào tháng 5.2012, Tổng thống Putin đã ra sắc lệnh “về biện pháp thực hiện chính sách đối ngoại” trong đó khẳng định cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng của Liên bang Nga ở châu Á - Thái Bình Dương. Nga cam kết tiếp tục hợp tác dầu khí với Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Với Hàn Quốc và Ấn Độ, quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác quốc phòng - an ninh được thúc đẩy.
Năm 2012 cũng đánh dấu những phát triển trong quan hệ Việt - Mỹ trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, khoa học - công nghệ và hợp tác nhân đạo trong vấn đề nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trao đổi đoàn giữa hai nước cũng gia tăng đáng kể, trong đó phía Mỹ đã cử nhiều đoàn quan chức cấp cao của chính quyền và quốc hội thăm Việt Nam.
Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện PCA (27.6) và khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (26.6). EU coi trọng vị trí của Việt Nam, đề nghị Việt Nam ủng hộ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược EU - ASEAN. Quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các đối tác hàng đầu trong EU như Anh, Pháp, Đức, Ý được đẩy mạnh.
Việt Nam cũng đẩy mạnh quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, với việc trao đổi nhiều đoàn cấp cao và có nội dung hợp tác thiết thực, như chuyến thăm Cuba của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (8-10.4) và chuyến thăm chính thức nước ta của Chủ tịch Cuba Raul Castro (8-9.7). Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan (9.2012) của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên trao đổi nhiều biện pháp thúc đẩy thương mại, hợp tác kinh tế - chính trị, năng lượng, khai thác dầu khí.
Nguyên Phong
Bình luận (0)