Dấu ấn sinh viên: Những công trình đặc sắc

Vũ Thơ
Vũ Thơ
11/12/2023 07:00 GMT+7

Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam và các hội viên của mình đã có rất nhiều công trình độc đáo, mang lại giá trị bền vững, ghi ấn tượng sâu sắc trong cộng đồng.

Thắp lên tình yêu đất nước

Hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức là một hoạt động đầy ý nghĩa. Từ hành trình này đã thắp lên ngọn lửa tình yêu quê hương, biển đảo cho sinh viên. Trong 5 năm qua với chuỗi chương trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc", T.Ư Hội đã đưa hơn 3.000 hội viên, sinh viên trong và ngoài nước đến với các đảo Lý Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu, Cù Lao Xanh, Cô Tô, Phú Quý và Côn Đảo.

Những công trình đặc sắc - Ảnh 1.

Cuốn cẩm nang Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội cho Gen Z đã mang lại giá trị bền vững

BTC

Năm 2023 là năm kỷ niệm tròn 10 năm hình thành và phát triển hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam đã tổ chức đưa gần 200 sinh viên đến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Thông qua chương trình đã khơi dậy tình cảm và ý thức trách nhiệm của sinh viên trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước.

Mang âm nhạc dân tộc tới học đường

Nhằm nâng cao nhận thức và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM đã phối hợp với Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM thực hiện chương trình "Âm nhạc dân tộc học đường" từ năm 2015 đến nay. Chương trình đã tổ chức hội thảo, tọa đàm, biểu diễn âm nhạc dân tộc tại các trường ĐH, CĐ và các ký túc xá sinh viên; tổ chức các lớp học về âm nhạc dân tộc, duy trì và phát huy các CLB, đội, nhóm bảo tồn âm nhạc dân tộc tại các trường học.

Nhiều hoạt động thu hút hàng ngàn sinh viên tham gia như: sân chơi "Điệu hát xưa - Lời hát nay" đã thu hút tổng cộng 3.700 học sinh, sinh viên tham gia. Chương trình bao gồm trò chơi tìm hiểu kiến thức về âm nhạc và nhạc cụ dân tộc, hướng dẫn hát và trò chơi sáng tác lời mới theo chủ đề dựa trên các điệu lý dân gian quen thuộc. Chương trình "Tuổi xanh tôi hát" với địa điểm biểu diễn là các công viên, khu vực công cộng, sinh viên được đào tạo chuyên nghiệp về âm nhạc dân tộc nói riêng và sinh viên TP.HCM nói chung đã tham gia biểu diễn, góp phần giới thiệu âm nhạc dân tộc đến cộng đồng, nhất là khách du lịch…

Anh Nguyễn Tất Toàn, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM, chia sẻ: "Các bạn sinh viên thành phố được phát huy đam mê, sở thích của mình, có cơ hội được tham gia giao lưu, biểu diễn các chương trình âm nhạc dân tộc với bạn bè trong nước và quốc tế. Chương trình cũng lan tỏa đến nhiều đối tượng, góp phần nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc dân tộc và ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người trẻ".

"Mạng ảo - Luật thật"

Dự án "Rule 901" năm 2021 với chủ đề "Mạng ảo - Luật thật", nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho sinh viên về pháp luật trên không gian mạng, là một dự án vô cùng sáng tạo của Hội Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội. Dự án gồm 5 hoạt động, trong đó 1 hoạt động truyền thông, 1 cuộc thi, 2 workshop trực tuyến và biên soạn, phát hành 1 cẩm nang. Dự án đã được Hội Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn phối hợp với Hội Sinh viên Khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) triển khai, đã mang lại nhiều giá trị bền vững và tạo được những dấu ấn sâu đậm.

Cuộc thi "Sáng tạo video, clip tuyên truyền pháp luật trên không gian mạng" nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của các bạn sinh viên trong và ngoài nhà trường với 64 đội tham dự. Workshop "Quyền tác giả trên không gian mạng" đã mang đến cho người xem những kiến thức cần thiết về quyền tác giả, cách thức bảo vệ quyền tác giả, cách ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, workshop "Ứng xử trên không gian mạng" cũng nhận được sự quan tâm rộng rãi của các bạn sinh viên. Bằng những chia sẻ, kinh nghiệm chuyên sâu của các diễn giả, workshop đem đến cho sinh viên những kiến thức bổ ích về văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Từ đó, nâng cao nhận thức của sinh viên, giúp các bạn điều chỉnh những hành vi của mình sao cho phù hợp với chuẩn mực hơn và nâng cao ý thức pháp luật về ứng xử trên không gian mạng.

Đặc biệt, dự án đã cho ra mắt cuốn cẩm nang Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội cho Gen Z. Đây là một điểm nhấn đáng chú ý của dự án. Với mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như cách ứng xử văn minh, lịch sự trên mạng xã hội.

Anh Nguyễn Kim Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết dự án "Rule 901" là sáng kiến đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực dành cho sinh viên. "Dự án này nhằm tôn vinh pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật. Dự án đã mang đến một hệ thống kiến thức cơ bản, khái lược nhất về pháp luật trên không gian mạng vô cùng bổ ích và cần thiết. Dự án phù hợp với mọi sinh viên, đa dạng các chuyên ngành đều có thể theo dõi và tiếp nhận thông tin, kiến thức một cách dễ dàng. Từ đó mang lại giá trị giáo dục hiệu quả", anh Tùng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.