Dấu ấn Tân An - thành phố chiến lược

13/09/2019 16:25 GMT+7

Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập TP.Tân An, UBND tỉnh Long An tổ chức lễ công bố Quyết định 1140/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc công nhận TP.Tân An là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

Buổi lễ long trọng diễn ra tại khu vực Công viên P.3 vào lúc 7 giờ 30 ngày 14.9.
Trung tâm chiến lượt cấp khu khu vực
Năm 2007, TX.Tân An được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. Năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc thành lập TP.Tân An trực thuộc tỉnh Long An. Trải qua gần 12 năm xây dựng và phát triển, TP.Tân An được đầu tư lớn về kết cấu hạ tầng đô thị, hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại loại II với 5 tiêu chí, 59 tiêu chuẩn theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.
Suốt 12 năm qua, cơ cấu kinh tế TP.Tân An chuyển dịch đúng theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, nâng cao chất lượng phát triển công nghiệp - xây dựng và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Cụ thể, cuối năm 2018, tổng giá trị sản lượng ngành công nghiệp - xây dựng của TP đạt 16.800 tỉ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ lệ 79,44% trong cơ cấu kinh tế. Giá trị tổng sản lượng lĩnh vực thương mại - dịch vụ đạt 3.812 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 18%. Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng hơn 2,5% với giá trị tổng sản lượng 535 tỉ đồng. Dư địa phát triển kinh tế công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ rất lớn và đã có những kế hoạch phát triển rất cụ thể.

Ảnh 1: Với vị trí trung tâm giao thông thủy - bộ cấp vùng, TP.Tân An có tiềm năng rất lớn về phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch.

Hiển Hạo

Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn lấp đầy trên 100% diện tích. Trong đó, 40 doanh nghiệp đang hoạt động với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động/năm. Các dịch vụ ăn uống, lưu trú, dạy nghề, giới thiệu việc làm, nhà xưởng, vận tải, dịch vụ y tế, giáo dục, các cửa hàng tiện ích, chợ, các cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ và nhiều cửa hàng kinh doanh tự chọn, tiện lợi với quy mô lớn: Hệ thống các ngân hàng, chợ Tân An, chợ phường 2, siêu thị Co.op Mart, Vin Mart, Trung tâm thương mại Vincom Plaza, Thế Giới Di Động - hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh, showroom ô tô... được phát triển nhanh về quy mô và chất lượng.
Tổng thu ngân sách tăng năm 2018 của TP đạt hơn 752 tỉ đồng, cao gấp 1,25 lần so với dự toán tỉnh giao. Hiện, TP.Tân An có diện tích tự nhiên hơn 8.173,37ha, mật độ 2.470 người/km2 với hơn 2/3 cư dân trong độ tuổi lao động. Thu nhập bình quân năm 2018 đạt 64,7 triệu đồng/người/năm, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2010.
TP.Tân An có vị trí chiến lược nằm ngay trên trục phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vai trò như là đô thị trung tâm, hỗ trợ tương tác qua lại với đô thị hạt nhân vùng là TP.HCM và là trọng điểm trong tam giác tăng trưởng TP.HCM - TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) - TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). TP.Tân An cách trung tâm TP.HCM khoảng 40 km, là đầu mối giao thông đường thủy - bộ của vùng với tuyến đường QL1, tuyến tránh QL1 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đi qua, là cửa ngõ miền Tây của vùng Đông Nam bộ.
TP.Tân An giữ vai trò trung tâm kết nối giao thông nội tỉnh, từ QL1 rẽ vào QL62 quy chuẩn cấp II đồng bằng sẽ đến các huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa. Đây là tuyến chính nối giữa trung tâm tỉnh Long An với vùng Đồng Tháp Mười, biên giới Campuchia. Trên tuyến QL62 có thể dễ dàng kết nối nhiều tuyến quan trọng như ĐT.820, ĐT.829, ĐT.837, QLN2.... Song song đó, Tân An có sông Vàm Cỏ Tây, sông Bảo Định, kênh Nguyễn Văn Tiếp (sông Rạch Chanh) chảy qua, rất thuận lợi giao thương hàng hoá với TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang…
Tiềm năng lớn về thương mại - du lịch - dịch vụ
TP.Tân An với cảnh quan vùng sông nước đặc trưng vùng ĐBSCL, hệ thống sông Vàm Cỏ Đông, sông Bảo Định, công trình bờ kè dọc sông Bảo Định vừa là hệ thống giao thông có cây xanh rợp mát, được chiếu sáng cả về ban đêm. Ngoài ra, hệ thống cây xanh tập trung tại các công viên, vườn hoa lớn nhỏ xen lẫn trong các khu dân cư… đã nâng mật độ cây xanh trên đất đô thị thành phố đạt 13,4 m2/người. Tất cả đã tạo điểm nhấn nổi bậc, góp phần tạo mỹ quan đô thị của thành phố xanh, thân thiện, bền vững.

Ảnh 2: TP.Tân An rực rỡ về đêm

Hiển Hạo

Ông Lê Công Đỉnh, Chủ tịch UBND TP.Tân An, cho biết để duy trì và phát triển các mảng xanh, cây xanh đô thị với đặc trưng sông nước làm cơ sở cho việc phát triển du lịch xanh, du lịch sông nước, UBND TP.Tân An đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng dọc hai bên sông Bảo Định; đồng thời phối hợp với Sở Xây dựng triển khai đồ án quy hoạch phân khu xây dựng dọc hai bên sông Vào Cỏ Tây đoạn qua TP.Tân An.
Thời gian tới, để hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí sau khi được công nhận đô thị loại II, thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư để phát triển đô thị, trong đó tập trung các dự án đô thị mới; phát triển thương mại - dịch vụ, mở mang các ngành nghề sản xuất - kinh doanh, huy động mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài. Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang nâng cấp đô thị ngày càng khang trang hiện đại, xây dựng chương trình đầu tư nâng cấp hạ tầng cho cấp nước, xử lý rác thải, nước thải; chỉnh trang đô thị, hướng đến xây dựng thành phố thông minh và đô thị hiện đại, xanh - sạch, phát triển bền vững góp phần nâng cao mức sống của người dân.
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho rằng TP.Tân An được công nhận đô thị loại II là phù hợp và tương xứng với yêu cầu vai trò quản lý của một đô thị tỉnh lỵ, có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, kinh tế - xã hội tỉnh Long An. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đánh dấu bước trưởng thành đáng phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Tân An nói riêng, của tỉnh Long An nói chung trong quá trình xây dựng TP.Tân An hướng đến đô thị thông minh và từng bước hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An và Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP.Tân An nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định, cũng như các trình tăng trưởng, phát triển của thành phố trong tương lai.
Tiến lên xây dựng đô thị loại I
Ông Lê Công Đỉnh, Chủ tịch UBND TP.Tân An, phấn khởi cho biết: “Ý nghĩa quan trọng rõ nhất của bước ngoặc phát triển này chính là người dân có thêm điều kiện tiếp cận nhiều tiện ích, hưởng thụ thành quả từ những công trình hạ tầng đô thị, công trình phúc lợi và an sinh xã hội. Với kết quả hôm nay, tôi tin tưởng rằng nhân dân thành phố sẽ càng nhiệt tình, ủng hộ các chủ trương, kế hoạch phát triển của thành phố trong các giai đoạn tiến lên đô thị loại I”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.