Sau 40 năm giải phóng, Bình Thuận giờ không chỉ được biết đến bởi Mũi Né, trái thanh long, mà còn nhiều thành tựu mà nhiều người chưa biết.
Hệ thống thủy lợi nối mạng
|
Đưa nước về vùng khô hạn
Trong những ngày cao điểm nắng nóng của tháng 4 này, nhiều bà con ngư dân ở thôn Tú Sơn, Đá Trắng của xã Sông Lũy (H.Bắc Bình) lại được thỏa thích tắm mát trên dòng kênh Châu Tá. Ông Vòng Cá Sềnh, một người dân tộc Nùng ở thôn Tú Sơn đã đứng sững người vì vui mừng khi chứng kiến hằng ngày dòng nước trong xanh chảy ngang qua nhà ông. “Một đời tôi cũng không mơ tới chuyện lại có ngày dòng nước chảy ngang nhà mình thế này”, ông Sềnh nói.
Sống ở thôn Đá Trắng gần 40 năm nay, gia đình ông Lày Chí Phìn phải hằng ngày xuống dòng sông Lũy gánh nước để sinh hoạt. Nguồn nước dùng để tưới vườn chanh, đu đủ, dưa leo đều phải nhờ chiếc máy bơm với đường ống dẫn nước dài tới 500 mét. Có những năm, con sông cạn sạch, không còn nước để bơm tưới cây, thất thu dẫn đến nợ ngân hàng cả đống tiền. Giờ thì con kênh Châu Tá chảy ngang qua nhà ông. Ông không cần hệ thống ống, mà xây nguyên hệ thống mương tưới vào vườn cho nước kênh Châu Tá tự chảy. Hai năm qua, không chỉ có cây chanh, đu đủ, mà ông Phìn đã trồng thanh long trên khu đất cằn cỗi năm xưa, giờ đang hứa hẹn thu lợi hàng trăm triệu đồng từ 2.000 gốc thanh long.
Ông Phạm Ngọc Nam- Phó giám đốc Công ty khai thác công trình Thủy lợi Bình Thuận, cho biết hiện nay hệ thống kênh Châu Tá (dài 32 km) đã đưa nước từ Đập 812 về tận vùng hạn Hồng Sơn, Ma Lâm của H.Hàm Thuận Bắc. Hệ thống kênh tiếp nước Sông Móng- Đu Đủ- Tân Lập (gần 40 km) bao phủ kín vùng chuyên thanh long của H.Hàm Thuận Nam. Kênh tiếp nước Cà Giây giúp cho H.Bắc Bình có thêm trên 3.000 ha lúa làm ba vụ. “Với 17 hồ chứa nước có sức chứa 251 triệu mét khối, chỉ vài năm nữa, hệ thống tưới sẽ bao phủ cơ bản những vùng khô hạn nhất của tỉnh. Đây là một thành tựu nổi bật nhất của ngành nông nghiệp tỉnh nhà”, ông Nam nói.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Văn Tí ( hiện là Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH) phát biểu: “Ngày xưa, nói đến Bình Thuận là nói đến hạn hán. Nhưng bây giờ, ngay cả những nơi như khô hạn nhất ở Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam đều đã có nước quanh năm. Thứ quý giá nhất của dân vùng hạn cần đến đã được đáp ứng. Hệ thống kênh tưới thủy lợi đan kín các vùng hạn nhờ các hồ thủy lợi được đầu tư hàng chục năm qua như một sản phẩm nông nghiệp thời đổi mới của Bình Thuận”.
Nối mạng thủy lợi là một trong những thành tựu quan trọng của ngành nông nghiệp Bình Thuận những năm qua
|
Sức mạnh từ dân
Ông Nguyễn Lưu, 87 tuổi, Chủ tịch chính quyền non trẻ của TX.Phan Thiết từ ngày 19.4.1975, ôn lại những ngày hào hùng của quê hương. “Ngày ấy dân còn nghèo khổ lắm. Nhưng khi cách mạng cần đến sự trợ giúp thì từng bát cơm, hạt gạo đều được dân chia sẻ. Trước giải phóng, tôi có 25 năm hoạt động cách mạng trong lòng dân. Ngày 19.4.1975, Phan Thiết hoàn toàn giải phóng. Lời đầu tiên phát biểu trước dân với tư cách là người đứng đầu chính quyền cách mạng, tôi khẳng định chiến thắng này thuộc về nhân dân. Người dân có quyền được hưởng cuộc sống tự do độc lập. Bây giờ, cuộc sống người dân đã khác xưa rất nhiều. Trong chiến tranh, dân không quản ngại khó khăn để cuôi cán bộ cách mạng, thì bây giờ có khó là mấy cán bộ cũng phải làm vì dân. Mà làm đến nơi đến chốn, chứ không phải làm quan để hành dân. Vì tất cả sức mạnh của Đảng, Nhà nước đều từ dân mà ra”.
Bình luận (0)